Phù điêu ảnh về ngôi nhà nghệ thuật- Báo Đại Đoàn Kết
Trong cuộc triển lãm chủ đề “Lây” của các họa sĩ trẻ vừa khai mạc ngày 16-3, tại Hà Nội, tác phẩm phù điêu ảnh “Tập thể văn nghệ sĩ” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn gây chú ý bởi đó từng là nơi sinh sống của những người vang bóng một thời. Nhưng nay, “ngôi đền nghệ thuật” ấy đang ở tình trạng chắp vá, nhếch nhác.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn tạo được cảm giác tò mò và thích thú với công chúng khi anh trình làng một seri tác phẩm như “Nhà mặt phố”, “Nhà Tây biến hình”… kết hợp giữa ảnh chụp và phù điêu. Anh tự gọi cách làm của mình là “phù điêu ảnh”, bởi nó phá bỏ ranh giới giữa một bức ảnh chụp và sự khô cứng của những bức phù điêu bằng gỗ, đá, làm nên những bức phù điêu rất thật của cuộc sống. Anh chia sẻ: Tôi thích quan sát sự biến đổi của phong cảnh đô thị một cách nhân tạo, chẳng hạn hiện tượng quảng cáo trùm mặt tiền nhà mặt phố. Nếu tôi đánh giá điều này tiêu cực hay tích cực là tôi đã áp đặt. Tôi chỉ dùng nghệ thuật, sáng tạo của mình để ghi nhận nó, nói với mọi người rằng công năng của kiến trúc đô thị Việt Nam đã và đang bị biến đổi, và đó là điều phổ biến. Tôi không tô hồng hay bôi đen mà mô tả đúng thực tế cuộc sống như nó đang diễn ra. Còn lại, tự người xem sẽ có những suy nghĩ, đánh giá của riêng mình.
Vì thế những tác phẩm của anh đã làm chức năng của báo chí chứ không đơn thuần là cái đẹp như tranh, ảnh. Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người nghệ sĩ đương đại sử dụng nghệ thuật như một phương tiện để họ đến với cuộc sống, tham gia vào cuộc sống, tìm hiểu cuộc sống, mô tả cuộc sống và truyền thông điệp của mình đến những vấn đề của cuộc sống, góp phần tác động đến xã hội.
Tác phẩm “Tập thể văn nghệ sĩ” cũng được thực hiện với quan điểm thật như cuộc sống của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn. Tác phẩm cùng nằm trong chuỗi dự án “Nhà Tây biến hình”. Tuy nhiên, đối với họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đây là một tác phẩm vô cùng đặc biệt. Anh chia sẻ: Không giống những căn “Nhà Tây” khác tôi đã thực hiện trước đây, biệt thự 65 Nguyễn Thái Học giống như một “ngôi đền nghệ thuật” khi lưu giữ trong nó hơn nửa thế kỷ những câu chuyện về kiến trúc, về văn hóa nghệ thuật, về các danh họa của nền mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đầu. Thân phận của ngôi nhà 65 đã thăng trầm chìm nổi trong suốt chiều dài biến thiên của đô thị Hà Nội. Từ một ngôi biệt thự của cụ cự Lãnh – một chủ thầu khoán, sau năm 1954, căn nhà đã trở thành cơ quan của Hội Mỹ thuật Việt Nam, rồi sau đó trở thành nhà tập thể cho văn nghệ sĩ các thế hệ.
Những người vang bóng một thời gồm các họa sĩ: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Mai Văn Hiến, Văn Giáo, Trần Đông Lương; nhà điêu khắc Huỳnh Văn Gấm, Song Văn, Huỳnh Văn Lý; nhạc sĩ Đỗ Nhuận; nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam… Ngoài ra còn có những nghệ sĩ ở một thời gian như: nhà điêu khắc Diệp Minh Châu; họa sĩ Dương Bích Liên; nhà văn Nguyễn Văn Bổng… Rồi hàng loạt văn nghệ sĩ lúc bấy giờ cũng thường lui tới hội tụ ở địa chỉ này như: Trần Dần, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Dương Tường… Biết bao nỗi niềm, tâm sự về thời cuộc, về nhân tình thế thái cũng được bộc bạch chia sẻ chính tại nơi đây… Ngôi nhà đã trở thành một bảo tàng sống của các danh nhân Việt Nam. “Tập thể văn nghệ sĩ” hoàn toàn xứng đáng là nơi lan tỏa cái đẹp, nhân văn, thẩm mỹ và sự sáng tạo cho một nền văn hóa nghệ thuật lành mạnh.
Phương Đông