Sáng tác nối dài di sản bên Hồ Gươm- báo thời nay

https://nhandan.com.vn/baothoinay-vanhoavannghe/sang-tac-noi-dai-di-san-ben-ho-guom-622936/?fbclid=IwAR2QJrsSYBJRhCXRcUMX5u-9MTeU-EbN7nDxmxv7DxBD1JU5l5tikmZ_8GY

Dựa vào di sản để mọc lên, nhưng sáng tác mới cũng mang hình bóng di sản lan tỏa trong đời sống đương đại. Những tác phẩm đó được tạo nên từ các tác giả thế hệ 9X, sau quá trình tiếp cận, học hỏi một nghệ nhân cao tuổi. Triển lãm “Từ truyền thống tới truyền thống” vừa khai mạc ngày 30-10 đang phát tín hiệu cuốn hút công chúng tới địa chỉ văn hóa – tín ngưỡng trong không gian phố đi bộ Hồ Gươm. 

Hào hứng sáng tạo với truyền thống

Tranh dân gian tái sinh trong hình thức, chất liệu mới. Xa hơn, dữ liệu tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ trở nên khởi nguồn ý tưởng và biến hóa, cách điệu trong tác phẩm mới. Điều này đang thể hiện bằng triển lãm ngay tại đình Nam Hương trên phố Hàng Trống, Hà Nội, mà tên phố đã gợi ngay đến dòng tranh dân gian danh tiếng.

Không phải những bức tranh dân gian sắc mầu rực rỡ với đường nét mềm mại, uyển chuyển hoặc mộc mạc như thường thấy. Mà những họa tiết hổ, cá chép, mai đào, vân mây, sóng nước, các vị thần tiên, các ông hoàng, bà chúa, cô, cậu… từ tranh dân gian, mỹ thuật dân gian nói chung được đưa vào sơn mài, được vẽ trên lụa, được thể hiện bằng công nghệ 3D, được đưa lên rèm cửa, rèm che, vẽ lên đèn treo tường, được thiết kế như bìa sách có thể mở ra – gấp lại, được thể hiện trên mặt những chiếc đĩa, chiếc bình… Các ý tưởng sáng tạo của 26 sinh viên chuyên khoa sơn mài và lụa – Khoa hội họa – Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam đã phát huy đa dạng trên nền tảng truyền thống. 

Em Nguyễn Cẩm Nhung khai thác hình ảnh ba bức tranh “Thầy đồ cóc”, “Cá chép hóa rồng” và “Đám cưới chuột”, vẽ lại lên ba chiếc đèn treo do mình tạo ra, với những kết hợp có dụng ý giữa họa tiết truyền thống và nét vẽ hiện đại cùng công năng thắp sáng – trang trí. Em cho biết, để bảo đảm độ đậm nhạt của mầu khi thắp đèn bên trong không dễ. Nhưng rất thú vị, dự án làm thay đổi cách thể hiện của em khi ứng tác, sáng tác từ truyền thống. Em Trần Két với bức “Hộ pháp khuyến thiện tâm an”, mượn bố cục tranh “Ngũ hổ” nhưng thể hiện hình tượng một con người với con chó cưng của mình, với những cách điệu họa tiết cổ, tạo nên một tác phẩm vừa mang phong vị cổ truyền, vừa lạ lạ và táo bạo. Em tâm sự, qua đây, thấy tư duy mình được dài hơi hơn và sẽ tiếp tục sáng tác trên tinh thần đi vào truyền thống. 

Sáng tác nối dài di sản bên Hồ Gươm -0
Tham quan triển lãm. 

Gợi mở cho địa phương

Được hỗ trợ từ Quỹ văn hóa Nhật Bản và sự đón chào của địa phương, nhiều điều thú vị có thể nhận ra từ dự án của hai giảng viên là Triệu Khắc Tiến và Nguyễn Thế Sơn và các sinh viên. Như chia sẻ của giám tuyển – giảng viên, TS Nguyễn Thế Sơn, thì đây là một dự án nghệ thuật đương đại từ cách tổ chức, quá trình làm việc cho đến trưng bày tác phẩm. Đây là tín hiệu mừng của sự tái sinh di sản bằng tác phẩm nghệ thuật mới và chọn ngôi đình Nam Hương, một địa chỉ tín ngưỡng – văn hóa của dân tộc vừa được tôn tạo, để thể hiện. Đây còn là gợi mở cho hướng đi mới trong giáo dục nghệ thuật khi tiếp cận di sản – đó là lấy người học làm trung tâm và học tập truyền thống bằng cách thực hành sáng tạo…

Có lẽ, “minh chứng” cho niềm hưng phấn của thầy giáo bằng những tâm đắc của các học trò là thuyết phục hơn cả. Các sinh viên tham gia vào dự án chia sẻ rằng: về học tập, các em đã được bước vào đời sống di sản chứ không phải đứng bên ngoài hoặc thông qua truyền dạy một chiều khô cứng. Đó là được gặp, trò chuyện, trực tiếp xem nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên vẽ, tô mầu tranh Hàng Trống. Về sáng tạo, các em được vận dụng các chất liệu di sản là tranh dân gian, là chất liệu lụa, sơn mài để tạo nên tác phẩm truyền tải ý tưởng và mang dấu ấn cá nhân của mình, chứ không phải là một sự lặp lại. Về cảm hứng và kỳ vọng, các em thấy năng lượng và phương thức từ dự án này có thể “cháy” sang những ấp ủ sáng tạo mới, bằng sự hòa quyện di sản để tạo nên tác phẩm nghệ thuật có khả năng ứng dụng cao, làm đẹp cho các không gian sống, không gian văn hóa.

Tình cờ mà như hữu ý, triển lãm có khả năng trở nên điểm nhấn mới trong hoạt động văn hóa văn nghệ khu vực phố đi bộ Hồ Gươm suốt thời gian qua vốn đang quen thuộc, lặp lại. Rộng hơn, là trong khu vực phố cổ Hà Nội vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên các sự kiện cũng phần nào gia giảm hoặc khó phát huy tiếng vang, hiệu quả thưởng thức. Sẽ duy trì triển lãm đến tận 20-12, với không gian đình truyền thống, một mặt từ phố Hàng Trống, một mặt từ phố Lê Thái Tổ vào, địa phương đã có ý thức chuẩn bị, trông nom cho hoạt động này. Anh Đặng Minh Tiến, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống cho biết, phường đã thông báo rộng rãi cho toàn dân biết để đến xem và hằng ngày bố trí lực lượng bảo vệ để giữ gìn tác phẩm. Còn theo TS Sơn, sinh viên Xuân Lam, một tác giả trong triển lãm, đã quyết định tặng cho phường tác phẩm 3D “Ngũ hổ” của mình, mong rằng tác phẩm sẽ được lắp khung kính và bảo quản tốt. 

Comments are closed.