“Sống thử” trong ngôi nhà 8m2-ANTĐ

ANTĐ – Phù điêu ảnh, khái niệm mới mẻ đã được nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam sử dụng trong triển lãm sắp đặt “8m2”. Từng centimet trong ngôi nhà bằng ảnh của anh là những hình ảnh chân thực và sinh động, thể hiện nhiều mảnh đời quay quắt trong không gian sống chật chội.

Biến Viện Goethe thành… nhà trọ

Khi hỏi Nguyễn Thế Sơn, phù điêu ảnh là gì? Anh cho biết, đó là việc gợi khối trên ảnh giống như trong điêu khắc đình làng. Có khác chăng, chất liệu của anh là ảnh chồng ảnh để tạo hiệu quả thị giác 3D. Cụ thể, với triển lãm sắp đặt “8m2”, anh sẽ tái hiện không gian sống chật hẹp, bức bối của các công nhân bằng một căn nhà được dựng với tỷ lệ 1:1. Từng         centimet của ngôi nhà đều là ảnh, ảnh nọ nối với ảnh kia. Ảnh được dán lên những tấm pano, sau đó anh cắt thủ công các bức ảnh khác dán chồng lên, đặt nghiêng, đặt thẳng…

Ngôi nhà bằng ảnh của Thế Sơn thật đến nỗi, nếu chỉ nhìn lướt qua thì hẳn ai cũng nghĩ đó là một ngôi nhà thật. Từ các vật dụng trong nhà đến ánh sáng nội thất sẽ được tái hiện chân thực. Chi phí để Thế Sơn có được ngôi nhà 8m2 bằng ảnh không kém gì mua nhà thật theo giá thị trường. Anh đã bỏ ra 80 triệu đồng để xây cất ngôi nhà này và mất đến gần một năm đi khảo sát, chụp ảnh thực tế tại hơn 10 khu công nghiệp.

Triển lãm sắp đặt “8m2” của Nguyễn Thế Sơn từng được bày tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam với căn phòng thuê trọ của các công nhân miền Tây tại khu công nghiệp Bình Dương. Còn lần này, anh sẽ biến Viện Goethe Hà Nội thành nhà trọ với 2 căn phòng mang đặc trưng văn hóa địa phương, được thể hiện trong cách bài trí nội thất của công nhân miền Tây và Thanh Hóa. Bằng cách sử dụng đèn chiếu sáng và âm thanh thu lại tiếng động ở các khu nhà trọ, tiếng đài radio, tiếng người nói chuyện… căn phòng rộng 8m2 chật chội, tối tăm thực sự được tái hiện. Anh cho biết: “Tôi không có điều kiện để mời mọi người vào tận nơi mục sở thị cuộc sống của những người công nhân. Căn nhà bằng ảnh này sẽ giúp mọi người cảm nhận thật hơn về đời sống của những con người đang mắc kẹt tại các đô thị”.

Nội thất của ngôi nhà 8m2

Từ quá khứ đến hiện tại

Thế Sơn đã xây dựng ngôi nhà này bằng chính trải nghiệm của cá nhân anh trong những ngày còn sống trong khu phố cổ. Câu chuyện 8m2 anh mang tới không còn bó hẹp trong không gian sống của các công nhân tại các khu công nghiệp mà là mạch chuyện xuyên suốt từ quá khứ tới hiện tại. Trước nữa là phố cổ, là câu chuyện của gia đình Thế Sơn và gần đây nhất là thời bao cấp, các chung cư lắp ghép được chia theo tỉ lệ 8m2 một đầu người. Người xem ở giai đoạn nào sẽ hiểu và cảm nhận ngôi nhà ảnh 8m2 của anh theo những ký ức khác nhau.

Nghệ sỹ chia sẻ: “Tôi còn nhớ 8m2 là một tiêu chuẩn, một chỉ tiêu tối thiểu về không gian cho một đầu người được quy định từ những ngày còn bao cấp, giờ đây vẫn còn rất nhiều mảnh đời phải quay quắt trong 8m2, nhưng không phải 8m2 một đầu người mà có khi 8m2 cho 8 người”. Nằm trong xu thế chung, Thế Sơn đã sử dụng nghệ thuật đương đại (phù điêu ảnh) để giúp khán giả suy ngẫm về thực tại, về ký ức. Từ “Phố nhà Tây”, “Nhà mặt phố” đến “8m2”, Thế Sơn đều chịu khó nhặt nhạnh, tìm kiếm trong thực tế chất liệu để sáng tác. Anh khẳng định: “Nếu là người khác bước vào căn phòng rộng 8m2 của công nhân trong tiết trời nóng nực, họ chỉ mong rời khỏi đó càng sớm càng tốt nhưng tôi lại nhìn thấy ở đó một đề tài hay. Cách làm phù điêu ảnh của tôi thực chất là đang nhại lại những người làm quảng cáo, cộng với trải nghiệm của bản thân và thổi vào đó chút sáng tạo”.

Đặc biệt, các bức phù điêu ảnh của Thế Sơn có đầu ra rất thuận lợi, trái ngược với suy nghĩ làm sắp đặt chỉ để… xếp kho. Tác phẩm của anh được các nhà sưu tập tư nhân trong và ngoài nước tìm mua. Có tiền, Thế Sơn lại tái đầu tư làm nghệ thuật. Vì thế, hết dự án nghệ thuật này đến dự án khác, Thế Sơn chưa bao giờ ngừng nghỉ. Có lẽ, chỉ khi nào cuộc sống ngừng trôi, anh mới chịu buông.

Comments are closed.