TRIỂN LÃM “NHÀ MẶT PHỐ” – MỘT NGHỊCH LÝ CỦA CÁI ĐẸP

Triển lãm ảnh “Nhà mặt phố” tại Viện Goethe Hà Nội từ ngày 8. 3 đến 28. 3. 2012 là một nỗ lực sáng tạo đối với bộ môn nhiếp ảnh truyền thống. Nhân đôi hiện thực và nghịch lý của cái đẹp là ấn tượng nổi bật từ kết quả dự án nghệ thuật kéo dài 2 năm của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn.
Nghiên cứu trong thời gian dài, Nguyễn Thế Sơn đã chụp lại hiện trạng những ngôi nhà cao tầng mặt phố bịt kín những biển quảng cáo quá cỡ. Ảnh chụp sau đó sẽ được cắt, rửa theo bố cục cao hẹp, kích thước trung bình 40x160cm. Đó là bước tái tạo hiện thực trong không gian hai chiều quen thuộc, phổ biến. Sáng tạo của nghệ sĩ nằm ở bước thứ hai – tái cấu trúc không gian bằng chiều sâu thực dưới dạng (như nghệ sĩ đặt tên): Phù điêu ảnh. Đây là một sáng tạo rất đáng chú ý bởi lẽ trước đó, hình thức nghệ thuật này hầu như chưa từng được áp dụng cho một triển lãm ảnh. Được gợi ý từ chính các biển quảng cáo
có hình nổi, Nguyễn Thế Sơn đã cắt, dán, tạo khối mô hình cho các ngôi nhà, cây cối, dây điện, người tham gia giao thông, các chi tiết kiến trúc, đồ vật… phối hợp chúng với nhau dưới cái nhìn hiện thực nhất về một Hà Nội thương mại hóa, biểu trưng bằng những tấm biển quảng cáo khổng lồ che phủ hầu khắp không gian mặt phố.
Trong một Hà Nội thu nhỏ, chủ nhân của nó, những người thường xuyên phải sống trên phương tiện xe máy, xe lam, xe thồ đã được chụp lại, “bắt cứng” trong một khoảnh khắc “chết lặng” vĩnh viễn về thời gian, đối nghịch hoàn toàn với cảm thức thường trực về chuyển động hỗn loạn bất tận của giao thông đã tạo ra một nghịch lý thứ nhất – nghịch lý của hiện thực. Thực tế, nghịch lý này đã tạo cho người xem có thời gian để so sánh, ngẫm nghĩ về một hiện thực ở ngoài kia và một hiện thực đang được bày ra ở trong phòng triển lãm. Có được sự bao quát trước một tiểu hiện thực, người ta sẽ dễ dàng nhận
ra kích thước của con người hoàn toàn tỉ lệ nghịch với các tấm biển quảng cáo và nghịch lý này sẽ hé lộ tính châm biếm, phê phán kín đáo những giá trị thương mại, tiêu dùng được thổi phồng quá cỡ.
Thứ hai là nghịch lý của cái đẹp. Năng lực sắp xếp, lắp đặt, dán ghép, phối hợp màu sắc các mô hình nhằm đạt được một hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất cho tác phẩm “Nhà mặt phố” dường như mang một mâu thuẫn trớ trêu với chủ đích là cái tổng thể sẽ truyền đạt được tinh thần châm biếm, phê phán, tức cái đẹp sẽ phải gánh vác trách nhiệm phê phán hay nói cách khác, bản thân cái đẹp đã là sự phê phán. Sự trớ trêu này giống như serie tranh lụa “Tầm cao mới” (2008-2011) của Nguyễn Thế Sơn. Đối tượng được lựa chọn thể hiện là những công trình xây dựng rất nham nhở nhưng nhìn vẫn “đẹp” trên góc độ hội họa nhờ hiệu quả loang chảy đặc trưng của chất liệu, bố cục khéo léo khi co hẹp hết cỡ. Thực tế, công việc và mục đích của người làm quảng cáo cũng là tạo ra và tuyên truyền cho cái đẹp, nhưng hiện trạng ở đây cho thấy rõ ràng một nghịch lý đầy tính châm biếm của sự lạm dụng. Biện pháp tạo nghịch lý của Nguyễn Thế Sơn giữa cái đẹp và đối tượng mà nó thể hiện, cái đẹp và mục đích làm đẹp làm một chiến thuật rất sâu sắc, lý thú. Nghịch lý của cái đẹp tựa như nỗ lực không ngừng nghỉ của công nghệ quảng cáo nhằm phô bày cái tốt, cái đẹp đã được nhào nặn, thổi phồng thành những giá trị lý tưởng của
sản phẩm tiêu dùng. Nỗ lực và hiệu quả kinh doanh đạt được từ cuộc chiến không gian về kích thước, màu sắc, các slogan giật gân của cơ man nhãn mác, chủng loại thương hiệu khi so sánh với quan hệ xã hội vốn được xây đắp từ việc chia sẻ không gian sống công cộng theo truyền thống văn hóa tình làng nghĩa xóm sẽ tương đồng với tính nhân quả của ánh sáng và bóng tối. Biển quảng cáo càng nâng lên cao bao nhiêu thì cái bóng đen thẫm, lầm lỳ của nó sẽ che phủ bấy nhiêu lên chính những mối quan hệ xã hội tốt đẹp và sự tỉnh táo trước sức hút của thế giới hàng hóa tiêu dùng vốn dĩ là phi nhân tính. Năng lực quản lý văn hóa đô thị của nhà chức trách cũng phản ánh tình trạng tạp loạn về thẩm mỹ, xu hướng nô lệ của quảng cáo ngày càng phổ biến tại một thủ đô vốn luôn tự hào với truyền thống nghìn năm văn hiến. Đó là một nghịch lý dự báo những hệ quả rất xấu cho một tương lai gần không dễ khắc phục.
Với tiêu đề triển lãm “Nhà mặt phố”, sự châm biếm và phê phán trong các tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn còn được nhận ra từ vế sau của câu nói cửa miệng “nhà mặt phố – bố làm to”. Thực tế câu nói này chỉ xuất hiện và trở nên phổ biến từ đầu thập niên 90, giai đoạn bắt đầu phát triển ồ ạt các hình thức tư thương sau Đổi mới 1986, mọi tầng lớp đều nhận thấy giá trị của việc bám trụ sát mặt đường, vỉa hè, tận dụng tối đa ưu thế thương mại của mỗi mét vuông đất mặt đường, mặt phố. Xuất hiện cùng lúc với sự bùng phát bám mặt đường để kinh doanh là làn sóng đầu tư xây dựng, mua nhà “mặt tiền” khởi phát
từ những khoản ngoại tệ tư nhân của một bộ phận khá lớn nguồn nhân công xuất khẩu lao động hết hạn hợp đồng từ khối xã hội chủ nghĩa trở về nước và những người vẫn bám trụ tại các quốc gia vừa mới hoàn toàn chuyển sang các thể chế tư bản. “Nhà mặt phố” lúc này đã trở thành một sự đảm bảo chắc chắn cho thu nhập tài chính và khả năng làm giàu nhanh chóng, nó sẽ càng được củng cố hơn nếu có thêm sự bảo lãnh của vế thứ hai: “Bố làm to”– câu nói hoàn toàn được hiểu như một từ đồng nghĩa với cuộc sống giàu sang, quyền lực.
Nghệ thuật đương đại có xu hướng tập trung diễn đạt một quá trình tư duy mang sắc thái phản biện, tham gia mạnh mẽ vào đời sống chính trị, xã hội. Tác phẩm của nghệ sĩ đòi hỏi một chiều sâu nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng mà trường hợp các serie cùng chủ đề về sự thay đổi cảnh quan đô thị của Nguyễn Thế Sơn là tiêu biểu. Tinh thần châm biếm, phê phán kín đáo, thẩm mỹ trọng năng lực công phu là những biểu hiện cá tính và đặc trưng nghệ thuật rõ nét của Nguyễn Thế Sơn. Một tính cách rất “thâm Nho” – hiểu theo nghĩa về sự sâu sắc của tri thức Khổng học dễ nhận ra ở Sơn có lẽ do anh đã hấp thụ được từ trước và trong giai đoạn theo học cao học tại Học viện mỹ thuật trung ương Bắc Kinh, Trung Quốc. Không ít các nghệ sĩ đương đại ưa thích sự ồn ào, nhưng ở Nguyễn Thế Sơn, người ta nhận thấy một sự lặng lẽ chắc chắn, rành mạch rất hứa hẹn ở một sự nghiệp lâu dài khi mà anh đang bắt đầu vào độ “chín” của một nghệ sĩ.

Vũ Huy Thông

Comments are closed.