Triển lãm “Đối thoại với đình làng”: Khôi phục những giá trị đã đứt gãy
Đối thoại với lịch sử
Cuộc triển lãm do nhà nghiên cứu phê bình lịch sử mỹ thuật Bùi Thị Thanh Mai khởi xướng, với các nghệ sĩ tham gia gồm: Nguyễn Thế Sơn, Lê Hậu Anh, Lê Chí Hiếu, Vũ Nhật Tân, Đặng Thị Khuê, Khổng Đỗ Tuyền, Vũ Đình Tuấn…
Theo thống kê, phố cổ Hà Nội là nơi có mật độ di tích lớn nhất của thủ đô với hơn 100 công trình đình, đền, chùa… Phố cổ còn có nét độc đáo bởi những di tích thờ tổ nghề. 36 phố phường xưa có hàng chục nghề, và đã có gần 70 ngôi đình được lập ra để thờ tổ nghề, gắn với các phố nghề truyền thống. Thế nhưng ngày nay, với sự thay đổi và sự xáo trộn của đời sống, những công trình, đình, đền, chùa đang ngày một bị mai một và dần mất đi. Đó là những câu chuyện buồn, được thể hiện qua những tác phẩm nhiếp ảnh rất chân thực về đình làng Hà Nội của tác giả Nguyễn Thế Sơn trưng bày tại cuộc triển lãm.
Chia sẻ về việc lăn lộn suốt nhiều tháng trời đi tìm hiểu, phỏng vấn, ghi chép, chụp lại những ngôi đình trong phố cổ, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay, có 2 đình khiến anh ấn tượng nhất là đình Thanh Hà thờ tướng quân Trần Lựu – danh tướng thời nhà Trần tại số 10 Ngõ Gạch và đình Bích Lưu ở 18 Thợ Nhuộm (Hà Nội). Theo người thủ từ ở đình Thanh Hà thì đây là đình cổ nhất trong tất cả các đình được lập nên tại đất kinh thành này, được xây dựng từ năm 1433. Theo Thế Sơn, anh được bác thủ từ ở đây cho biết ngày xưa, trước cửa đình là một con sông, và ngôi đình là một trong những đình có kiến trúc cùng với văn bia cổ nhất trong kinh thành bấy giờ. Nó có một không gian trong lành và soi bóng xuống con sông rất thơ mộng. Tuy nhiên giờ đây ngôi đình đã bị mất một phần, 2 bên hông của đình đã bị thu hẹp.
Còn đình Bích Lưu thờ ông tổ nghề nhuộm vải, gốc người làng Lưu Truyền. Nguyễn Thế Sơn cho hay, anh đã được cụ Lê Đình Giai, năm nay gần 80 tuổi, thủ từ trông giữ đình cho biết, ngày trước mặt tiền của đình đi vào bằng lối tại số nhà 18 phố Thợ Nhuộm, nhưng rồi vào khoảng năm 1954 đình đã bị mượn hậu cung. Sau đó thời cuộc thay đổi, cũng vì cuộc sống mưu sinh mà hậu cung đã không được trả lại cho đình và phần đó bị biến thành… nhà nghỉ.
Anh Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Thật đáng tiếc khi một nơi đã từng được coi là thể hiện đời sống tâm linh, văn hóa của người Việt, nơi linh thiêng và uy nghiêm nhất lại bị biến thành nhà nghỉ và không một ai quan tâm đến sự hư hỏng, xuống cấp ngày một trầm trọng của nó”.
Trải nghiệm thú vị
Đình là nơi quy tụ đoàn kết mọi thành phần trong cộng đồng dân cư, là thiết chế văn hoá bền vững, nơi duy trì và phát huy bản sắc văn hoá của cộng đồng. Trong quá khứ, đình từng là công trình có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, tâm linh của người dân, hướng người dân trong cộng đồng đến sự tốt lành, điều thiện ích cho xã hội. “Dự án giúp tôi tìm hiểu lại lịch sử, tìm hiểu những giá trị bị che lấp, quên lãng, đồng thời cũng giúp tôi thêm hiểu biết về những câu chuyện phía sau những gì mà chúng ta nhìn thấy hàng ngày. Quá trình thực hiện dự án, suốt nhiều tháng trời đi tìm hiểu, phỏng vấn, ghi chép, chụp lại những ngôi đình trong phố cổ là một trải nghiệm đáng quý đối với tôi. Mỗi ngày ra đường chuẩn bị đi tìm, lại là một lần tôi cảm thấy hồi hộp không biết ngày hôm nay mình sẽ tìm được cái gì. Tôi đã gặp rất nhiều phản ứng từ những con người sống trong khu vực đình. Có khi là những ánh mắt dò xét, nghi ngờ, có khi là những lời nạt nộ hằm hè, có khi lại là sự ấm áp chia sẻ từ những cụ già vẫn còn trông giữ ngôi đình” – anh Thế Sơn tâm sự.
Triển lãm ra đời từ ý tưởng của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, được thực hiện với một phần kinh phí hỗ trợ của Bộ VHTTDL. Các nghệ sĩ đã mất 1 năm để hoàn thành hơn 50 tác phẩm đa dạng về thể loại: Tranh, ảnh, sắp đặt, trình diễn âm thanh và video nghệ thuật… |
Theo nhà phê bình mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, cuộc triển lãm nghệ thuật “Đối thoại với đình làng” là một triển lãm nhằm phát huy ý thức bảo tồn và quảng bá đình làng. Và mục tiêu khác là để mỗi người Việt Nam nhận thức được đình làng là nơi thể hiện đời sống tâm linh, một nét văn hóa quan trọng trong cuộc sống của người Việt. Nhà phê bình mỹ thuật Bùi Thị Thanh Mai thì cho rằng, triển lãm nghệ thuật “Đối thoại với đình làng” là cơ hội để nghệ sĩ có cơ hội tiếp cận với di sản, để cùng nhau suy ngẫm về giá trị của đình làng và vai trò của nó trong xã hội đương đại. Bằng các loại hình nghệ thuật khác nhau, triển lãm đặt ra câu hỏi mang tính phản biện về vấn đề liên quan đến di sản đình làng, như sự xuống cấp, sự cần thiết trong bảo vệ, tôn vinh những nét đẹp của di sản, văn hóa dân tộc.
Thanh Hà