Từ triển lãm ‘Sợi kết nối’ nghĩ về giáo dục nghệ thuật khai phóng-nguoidothi

https://nguoidothi.net.vn/tu-trien-lam-soi-ket-noi-nghi-ve-giao-duc-nghe-thuat-khai-phong-36180.html?fbclid=IwAR0FJexqGylzL-flToUSzolUQW_R-9C4dEEyN1qYKTnLwNsyaemcwemUybE

Một sự đào tạo truyền dạy mang tính chất đồng phục, câu thúc, sẽ chỉ tạo ra con người công cụ, làm tốt nhiệm vụ được quy định trước, đồng thời triệt tiêu cá tính và sáng tạo. Trong khi ngược lại, đích đến của giáo dục khai phóng thực sự là tạo ra con người cá nhân. Đối với các ngành nghệ thuật sáng tạo, điều này còn quan trọng và cấp thiết gấp bội…

Triển lãm “Sợi kết nối” tại VCCA. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn


Ngày 19.8.2022, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) đã diễn ra khai mạc triển lãm Sợi kết nối với sự tham gia của 24 nghệ sĩ trẻ tốt nghiệp Khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, dưới sự giám tuyển của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, đồng thời cũng là giảng viên trực tiếp hướng dẫn.

Sợi tơ kết nối

Trong phát biểu khai mạc, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, tên gọi Sợi kết nối của triển lãm cũng đến từ bối cảnh đại dịch diễn ra trong suốt hai năm vừa qua, khiến cho rất nhiều trong số chúng ta mất kết nối, không những giữa con người với nhau, mà thậm chí giữa con người với đời sống thực tại. Bởi thế, nghệ thuật, cụ thể ở đây là nghệ thuật trên chất liệu lụa, như là một chất dẫn dụ cho sự tái kết nối.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn phát biểu tại khai mạc triển lãm. Ảnh: Phạm Minh Quân

Mặt khác, kết nối ở đây còn thể hiện ba đặc trưng độc đáo của triển lãm, đó là sự kết nối liên khóa (ngoài các sinh viên khóa 61 chuyên ngành lụa là chủ lực thì có sự tham gia của các cựu sinh viên khóa trên), liên khoa/ngành (có sự tham gia kết hợp của chuyên ngành sơn mài), và đặc biệt hơn cả, liên kết giữa truyền thống và hiện đại.

Nếu như ở dự án Từ truyền thống tới truyền thống năm 2020, các nghệ sĩ trẻ được tiếp xúc, trao đổi và học hỏi trực tiếp từ nghệ nhân Lê Đình Nghiên – nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống, thì ở lần này, có một sự kết hợp mới mẻ với những nghệ nhân đến từ làng nghề lụa Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Tây.

Các nghệ sĩ điền dã tại làng dệt Phùng Xá 1. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn


Nghệ thuật như là một quá trình

Gần 80 tác phẩm được trưng bày, cũng theo chia sẻ của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, ngoài những tác phẩm mới như là kết quả thu hoạch sau chuyến nghiên cứu tại làng lụa Phùng Xá, còn có cả những tác phẩm tiêu biểu được chọn từ xuyên suốt ba năm làm việc của các nghệ sĩ trẻ. Do đó, đối với người viết, Sợi kết nối không chỉ mang ý nghĩa là một triển lãm mang tính chất trưng bày (showcase) kết quả thông thường, mà còn thể hiện một quán tính rất đương đại trên thế giới ngày nay: quán tính nhân học văn hóa. Nghĩa là, không chỉ chú trọng đến kết quả hay sản phẩm, mà, quan trọng hơn, là hành trình đi đến kết quả ấy. Nghệ thuật như là một quá trình/hành trình.

Các nghệ sĩ điền dã tại làng dệt Phùng Xá 2. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Một góc làng dệt Phùng Xá. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn


Mỗi dự án của Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ trẻ, giống như kể lại một hay nhiều câu chuyện về diễn trình thực hành nghệ thuật, về những quy trình tạo tác bên trong nó, cũng như về cách mỗi nghệ sĩ quan sát, cảm hiểu và triển khai về vấn đề được đặt ra. Mỗi bài tập là một sản phẩm, một học phần là một dự án, còn mỗi một sinh viên (với tư cách là một nghệ sĩ) phải đưa ra một giải pháp của riêng mình. Họ không còn bị giới hạn trong khuôn khổ giá vẽ, xưởng vẽ, trái lại có thể vận dụng mọi phương tiện trong quá trình sáng tạo: tài liệu sách vở, đi thăm hỏi thực địa, quay phim, chụp ảnh…

Tác phẩm tại triển lãm Sợi kết nối. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn


Trong quá trình nghiên cứu thực tế này, bên cạnh tiếp thu những tinh túy về công đoạn kỹ thuật và quan sát nghệ nhân thị phạm, lại phát lộ rất nhiều vấn đề văn hóa khác phía sau. Như đối với tranh Hàng Trống, các nghệ sĩ trẻ hiểu được những thách thức và gian nan trong việc bảo tồn một dòng tranh với lịch sử hơn 400 năm, hoặc nghề dệt lụa truyền thống ở làng Phùng Xá đã lưu giữ được “hồn lụa” của mình và thích nghi trong bối cảnh mới như thế nào.

Không chỉ riêng gì với nghệ sĩ trẻ, đối với nghệ sĩ nói chung, để có thể truyền dẫn hay biểu đạt ý niệm một cách hiệu quả, thì cũng cần đến một văn hóa nhất định, những sống trải về mặt văn hóa.

Tác phẩm tại triển lãm Sợi kết nối. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Sợi kết nối, vì vậy, mang một sắc thái đa diện. Mỗi một nghệ sĩ trẻ trong triển lãm, thông qua tác phẩm của mình, kể lại một câu chuyện cá nhân, với ngôn ngữ riêng và cách thể hiện riêng, hoàn toàn tự do và khoáng đạt, không ai giống ai. Thậm chí, còn mạnh dạn vượt ra khỏi mặt phẳng khung tranh truyền thống, để tích hợp thể nghiệm đa chất liệu, đa phương tiện, ví dụ như tranh lụa với trang phục, tranh lụa với nghệ thuật sắp đặt, tranh lụa với sơn mài và video art, projection mapping (ánh xạ trình chiếu)…

Còn Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận cũng mang đến một trưng bày các hiện vật giúp người xem hình dung được quy trình sản xuất lụa tơ tằm và con đường từ chất liệu đến tác phẩm.

Tác phẩm tại triển lãm Sợi kết nối. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn


Nghĩ về giáo dục nghệ thuật khai phóng

Người viết, may mắn đã được theo dõi Nguyễn Thế Sơn cùng các nghệ sĩ trẻ trải qua bốn triển lãm diễn ra trong khoảng hơn một năm nay[1] rất tâm đắc và chia sẻ với cảm nhận của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế khi tới tham dự triển lãm. Nhất là khi nhà nghiên cứu trích dẫn lời Victor Tardieu viết trong Đệ trình lên Toàn quyền Đông Dương Martial Henri Merlin, tháng 4.1924 về việc cần thiết thành lập Trường vẽ Tổng quát ở Đông Dương, rằng: “Chỉ khi nào học sinh chắc chắn có được niềm tin vững vàng (trong cái nhìn của mình) thì chúng ta mới có thể nói đến việc sáng tạo. Sáng tạo phải chăng tùy thuộc vào từng cá nhân? Để đơm hoa kết trái, bất kỳ công việc giảng dạy nào cũng nhằm vào mục đích phát triển nhân cách của mỗi học sinh, đây chính là lúc sự liêm chính trung thực của người thầy được đánh giá.”[2]

Tác phẩm tại triển lãm Sợi kết nối. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn


Một sự đào tạo truyền dạy mang tính chất đồng phục, câu thúc, sẽ chỉ tạo ra con người công cụ, làm tốt nhiệm vụ được quy định trước, đồng thời triệt tiêu cá tính và sáng tạo. Trong khi ngược lại, đích đến của giáo dục khai phóng thực sự là tạo ra con người cá nhân. Đối với các ngành nghệ thuật sáng tạo, điều này còn quan trọng và cấp thiết gấp bội. Sự khác biệt giữa một nghệ sĩ sáng tạo và một thợ thủ công mỹ nghệ đơn thuần, chính nằm ở sự tự do biểu đạt con người cá nhân. Sáng tạo là cá tính.

Ngoài ba sự kết nối đã nói ở trên, ở Sợi kết nối còn có một sự kết nối ẩn tàng thứ tư vô cùng ý nghĩa, đó là kết nối thầy – trò. Có thể nói, nhóm nghệ sĩ trẻ, đã có một đề pa khởi đầu vô cùng thuận lợi dưới sự giảng dạy và hướng dẫn của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn. Qua mỗi dự án, các bạn ngày một trưởng thành và chững chạc hơn. Sợi kết nối mới chỉ là một trạm dừng. Hành trình trong tương lai của họ, sẽ rất đáng để đón đợi.

Các nghệ sĩ trẻ tại khai mạc triển lãm Sợi kết nối. Ảnh: Phạm Minh Quân

Triển lãm Sợi kết nối đang diễn ra ở Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) từ ngày 19.8 đến 11.9.2022, với sự tham gia của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (làng dệt Phùng Xá, Mỹ Đức) và các nghệ sĩ: Nguyễn Hoàng Anh, Lê Minh Châu, Nhữ Đình Cương, Hồ Tuấn Duy, Đàm Hồng Dương, Nguyễn Thị Hoài Giang, Phạm Ngọc Hà, Trương Hoàng Hải, Bùi Kim Hiền, Nguyễn Thị Hiếu, Hoàng Thị Việt Hương, Kim Thị Hải Linh, Đặng Mỹ Linh, Phạm Linh, Bùi Thảo My, Đỗ Vũ Minh Ngọc, Nguyễn Thị Kim Nga, Vương Mộc Lan Nhi, Nguyễn Cẩm Nhung, Ngô Nhật Thanh, Trần Thị Thu Thảo, Nguyễn Thanh Thủy, Phạm Thủy Tiên, Nguyễn Minh Trang, dưới sự giám tuyển của nghệ sĩ, giảng viên hướng dẫn Nguyễn Thế Sơn.

Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)

Comments are closed.