Vị trí của “Truyền thống và Di sản” trong các thực hành nghệ thuật thử nghiệm tại Học viện nghệ thuật CAFA

Trải qua một quãng thời gian khoảng 30 năm từ khi manh nha hình thành cho đến khi trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ, có độ phủ sóng rộng rãi cả trong và ngoài môi trường Học viện nghệ thuật, có thể nói nghệ thuật thử nghiệm ở Trung Quốc đã có một chặng đường phát triển đầy ngoạn mục.

Ngay từ khi mới có những bước đi khởi đầu chập chững, nghệ thuật thử nghiệm ở Trung Quốc đã gặp không ít những trở ngại, sóng gió, không ít các triển lãm đã bị đóng cửa, không ít các tác phẩm đã bị cấm đoán, không ít nghệ sĩ đã bị bắt bớ… trở thành cái gai trong mắt những nhà cầm quyền Trung Quốc đương thời. Song nhờ sự dũng cảm dấn thân và sự sáng tạo của hàng hàng lớp lớp nghệ sĩ tiền phong liên kết mạnh mẽ với các nhà tư tưởng, giới văn nghệ sĩ các ngành khác đã tạo thành một đội ngũ trí thức sắc sảo với những trào lưu phản tư nổi tiếng thời điểm đó.

“Phong trào 85”(1985) là một phong trào gây chấn động khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc. Hàng loạt các hoạt động của các nghệ sĩ với các tác phẩm sắp đặt ngoài trời, trình diễn, nghệ thuật công cộng… được thực hiện khắp nơi, các tác phẩm luôn thể hiện một sự giằng xé về hệ tư tưởng và hệ giá trị của xã hội Trung Quốc đương thời. với “phản học viện” và “phản truyền thống” là hai xu hướng mạnh mẽ nhất trong phong trào phản tư của các nghệ sĩ tiền phong Trung Quốc.

“Phong trào 85” ở Hạ Môn, Phúc Kiến trong phong trào “phản học viện”.

“Truyền thống và Di sản” lẽ dĩ nhiên đã trở thành đối tượng và chất liệu rất phổ biến trong các tác phẩm thử nghiệm. Mấy nghìn năm phong kiến với tư tưởng Khổng giáo vua tôi quân thần cộng với di sản nặng nề tàn khốc đẫm máu và nước mắt của “Cách mạng Văn hóa” đã trở thành khối đá tảng vô hình đè nặng lên thân xác cũng như tinh thần của nghệ sĩ tiền phong đương thời. Chính từ lực đẩy dồn nén vô hình từ hàng ngàn năm lịch sử và suốt thời kỳ cách mạng Văn hóa đó đã sản sinh ra một thế hệ nghệ sĩ Trung Quốc trứ danh tạo nên những bước đột phá và thay đổi toàn diện cho diện mạo của Nghệ thuật đương đại Trung Quốc sau này.

1. Những bước khởi đầu đầy quyết đoán

“Vạn sự khởi đầu nan” – mọi sự việc trên đời từ khi mới bắt đầu thì không có việc gì dễ dàng và những thử nghiệm ban đầu trong chặng đường, hình thành và phát triển của nghệ thuật đương đại Trung Quốc cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nhưng trong tiếng Trung cũng có câu: “Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ” – Đường dài trước mắt, tất cả đều dưới đôi bàn chân ta. Những bước đi đầu tiên của nghệ thuật thử nghiệm của Trung Quốc đã bắt đầu bởi một loạt các nghệ sĩ tâm huyết và tài năng như: Ai Wei Wei, Huang Yong Bing, Xu Bing, Cai Guo Qiang, Lv Sheng Zhong, Sui Jian Guo và rất nhiều nghệ sĩ khác.

Người đầu tiên tôi muốn đề cập đến là nghệ sĩ Xu Bing (Từ Băng) , hiện đang giữ chức Viện phó Học viện nghệ thuật CAFA. Trở lại thời điểm những năm 80, khi còn đang là giáo viên ở khoa Đồ họa của trường, ông đã thực hiện một tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm kéo dài suốt 4 năm. Đối tượng trong tác phẩm của ông chính là di sản Hán tự Trung Hoa. Ông đã giải cấu trúc 214 bộ thủ trong chữ Hán, sau đó ghép lại chúng với nhau thành những chữ thể Tống nhưng hoàn toàn vô nghĩa không thể đọc được. Trong suốt 4 năm từ 86 đến 89 ông đã khắc liên tục được 4000 chữ Hán như vậy, sau đó ông đã in chúng ra sách, in thành những trang sách vĩ đại, tạo thành một tác phẩm sắp đặt lấy tên “Thiên thư”(Sách trời) trong cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại đầu tiên được diễn ra vào tháng 2 năm 1989 tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia.

Bảng chữ vô nghĩa

Sách trời vĩ đại

Cách thực hành nghệ thuật của Xu Bing lúc đó đã đánh thẳng vào tư tưởng và hệ giá trị của những thành phần bảo thủ trong môi trường Học viện cũng như cả những người xem khó tính. Rất nhiều người xem triển lãm đã tỏ ra hết sức bực tức khi họ không thể đọc hiểu được những chữ Hán được in trong tác phẩm do ông tạo ra. Ông đã buộc người xem phải tự nhìn nhận lại vấn đề tính khả tín của văn tự, buộc người xem phải nhìn tác phẩm của ông bằng con mắt khác – con mắt của tư duy. Đứng trước tác phẩm của ông dù là người Trung Quốc hay người nước ngoài thì đều bình đẳng như nhau, đều không thể đọc hiểu tác phẩm bằng con mắt thông thường.

Sau dự án “Sách trời” đó cũng là sau sự kiện Thiên An Môn xảy ra vào năm 89, Xu Bing đã phải từ bỏ đất nước để tiếp tục phát triển con đường nghệ thuật của mình ở những mảnh đất mở cửa đón nhận cho tự do sáng tạo. Suốt trong thập niên 90 sau đó, Xu Bing đã hoạt động mạnh mẽ ở Mỹ và cho ra đời hàng loạt các dự án nghệ thuật thử nghiệm tầm cỡ khác, tiêu biểu như dự án “Điểu” (những con chữ biết bay), khi biến chữ “Điểu” trong tiếng Hán và chữ “Bird” của tiếng Anh thành sắp đặt của những con chim biết bay.

 

 

Những con chữ biết bay

Hay dự án “Quỷ gõ tường”, khi Xu Bing in bản dập lại một đoạn của “Vạn lý trường thành” rồi biến chúng thành một sắp đặt khổng lồ.

Tác phẩm “Quỷ gõ tường

Dự án “Động vật văn hóa” khi cho hai con lợn in hình một con chữ triện thể Tống (không đọc được trong tác phẩm “Sách trời”) và một con in hình các chữ cái La-tinh cùng “giao lưu” trên một đống sách… cũng đã gây không biết bao tranh cãi.

Dự án “Động vật văn hóa”

Các dự án nghệ thuật thử nghiệm hoành tráng của Xu Bing cứ thế diễn ra liên tiếp đã tạo nên một vị trí quốc tế cho ông. Và rồi sau đó cái gì cần phải đến cũng đã đến. Trong thập kỷ 90, từ sau sự kiện Thiên An Môn, chính quyền Bắc Kinh đã có nhiều thay đổi quyết liệt để phù hợp với xu thế thay đổi của thời đại, nhiều quyết sách đưa ra để thu hút nhân tài là Hoa kiều về nước để giúp đất nước chấn hưng theo hướng hiện đại chuẩn quốc tế. Năm 2000, nghệ sĩ Xu Bing đã được trải thảm đỏ mời về làm viện phó Học viện Nghệ thuật Trung ương Bắc Kinh CAFA (trong khi hộ chiếu của ông vẫn là quốc tịch Hoa kỳ).

Dự án dùng chính chữ Hán như chữ “Sơn”,chữ “Mộc”, chữ “Thạch”…ghép lại với nhau để tạo thành những bức tranh thuỷ mạc

Dự án nghệ thuật ” lớp học của Từ Băng”

Quả thật là từ khi Xu Bing về nước cùng với sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc những năm 2000, môi trường nghệ thuật trong Học viện đã có nhiều thay đổi về mặt bản chất. Cũng từ đó trở đi trong suốt hơn 10 năm từ sau 2000 đến nay Xu Bing đã có vô số những dự án nghệ thuật thể nghiệm hoành tráng khác nữa được triển lãm sưu tầm lại nhiều gallery, Bảo tàng nghệ thuật danh tiếng trên Thế giới. Ví dụ như triển lãm “Thuốc lá” – khi dùng thuốc lá để tạo nên những sắp đặt hình tấm da hổ rất lớn.

Tấm da hổ xếp bằng các điếu thuốc lá

Hay dự án “Câu chuyện phía sau” khi ông dùng “cỏ rác” ở mỗi địa phương ông đến để tái tạo lại những bức tranh Trung Quốc họa nổi tiếng. Rồi dự án “Nghệ thuật cho mọi người” khi ông biến chữ cái La-tinh trong tiếng Anh trở thành những bộ thủ trong tiếng Hán. (nói cách khác là viết tiếng Anh dưới dạng chữ Hán). Dự án này đã được thực hiện ở rất nhiều nơi.

Trong triển lãm “Câu chuyện phía sau”

Bức tranh có hai mặt, mặt trước mĩ miều

… và mặt sau là rác địa phương

… nhìn gần mặt sau

Một tác phẩm khác trong “Câu chuyện phía sau”, mặt trước.

… Và mặt sau

Xu Bing thực hiện tác phẩm với cỏ rác

Di sản Hán tự Trung Hoa trong tác phẩm của Xu Bing quả thật là một nguồn cảm hứng vô tận. Rồi gần đây nhất với dự án “Phượng Hoàng”, ông đã tạo nên một tác phẩm sắp đặt kỳ vĩ từ những dụng cụ, công cụ của các công nhân xây dựng nhập cư – những người đóng góp trực tiếp mồ hôi công sức vào sự nghiệp hiện đại hóa, đô thị hóa trên khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc. Hai con “Phượng Hoàng” nặng mỗi con hơn 4 tấn, làm trong 2 năm tiêu tốn gần 3 triệu đô la Mỹ, như một biểu tượng sừng sững về nghịch lý trong xã hội Trung Quốc đương đại. Có thể thấy ở tác phẩm của Xu Bing xuyên suốt gần 30 năm nay là một thái độ phản tỉnh sâu sắc, trực tiếp tác động vào nhận thức của người xem. “Những biểu tượng của di sản và truyền thống Trung Hoa luôn được ông sử dụng một cách khéo léo tạo nên sự độc đáo riêng biệt đầy cá tính trong các thực hành thử nghiệm táo bạo của mình.

Nhân vật tiếp theo không thể không đề cập khi quan sát những buổi đầu hình thành nghệ thuật thể nghiệm ở Trung Quốc, đó là Ai Wei Wei (Ngải Vị Vị).

Ngải Vị Vị

Một tác phẩm mà đến tận bây giờ vẫn luôn là một ví dụ sinh động về cách thực hành nghệ thuật của ông, đó chính là tác phẩm: “Đánh rơi chiếc bình cổ đời Hán”. Trong các tác phẩm hành vi của mình, Ai Wei Wei luôn sử dụng những chiếc bình cổ thật rất có giá trị trong bộ sưu tập của cá nhân rồi tự tay làm “mất giá trị” của chúng. Lúc thì ông thả rơi tự do, lúc ông viết chữ Coca-Cola lên đó, lúc lại nhúng chúng vào các thùng sơn với đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng. Các tác phẩm của ông thường gây sốc, đánh thẳng vào hệ giá trị phổ biến trong xã hội Trung Quốc đương thời, một sự thách thức như trêu ngươi, bỡn cợt, thể hiện một thái độ phản tỉnh mạnh mẽ trong phong trào “phản truyền thống” lúc bấy giờ.

“Đánh rơi chiếc bình cổ đời Hán”.

Viết chữ lên bình quý

Nhúng bình cổ vào sơn

Chưa hết, ông còn dùng rất nhiều các đồ cổ thời nhà Minh, như bàn ghế, chế tác lại chúng trở thành những tác phẩm sắp đặt hoành tráng gây nhiều tranh cãi. Những tác phẩm thử nghiệm rất thách thức thời kỳ đầu những năm 80 của ông là những tiền đề hết sức quan trọng trong việc định hình thái độ cũng như con đường đi của nghệ thuật đương đại Trung Quốc sau này.

Sắp đặt “Ghế” bằng những chiếc ghế cổ

Đặc biệt gần đây, một lần nữa, ông lại làm xúc động bao trái tim người yêu nghệ thuật trên thế giới với dự án sắp đặt khổng lồ với “Hạt hướng dương” tại bảo tàng nghệ thuật đương đại Tate Modern ở London. Ông sử dụng chính chất liệu gốm sứ Trung Hoa truyền thống ở tỉnh Giang Tây với đội ngũ hàng trăm thợ thủ công chế tác bằng tay 100 triệu hạt hướng dương bằng sứ, tạo thành một tấm thảm khổng lồ rộng khoảng 1000 mét vuông với trọng lượng 150 tấn. Hạt hướng dương là thức ăn duy nhất mà hàng triệu dân Trung Quốc có trong thời Mao Trạch Đông nắm quyền. Hơn 30 triệu người đã chết đói từ năm 58 đến năm 61. Tác phẩm sắp đặt là một ẩn dụ tinh tế về một đất nước Trung Hoa (người phương Tây vốn quen gọi là “đất nước gốm sứ”). Mỗi hạt hướng dương nhỏ bé bằng sứ được làm và vẽ bằng tay nên không hạt nào giống hạt nào, bỗng chốc trở thành một khối biểu tượng đồ sộ của hàng trăm triệu người Trung Hoa.

Công nhân của Tate đang cào hạt hướng dương sứ thành thảm. Ảnh: P. MACDIARMID
Trong sảnh triển lãm của Tate
Trẻ em nằm chơi trên thảm hạt hướng dương sứ
100 triệu hạt hướng dương bằng sứ

Một nghệ sĩ “khét tiếng” nữa mà tôi khó có thể bỏ qua đó là Cai Guo Qiang (Sài Quốc Cường). Ông được ví là người nghệ sĩ chuyên đùa với lửa.

Sài Quốc Cường (Cai Guo Qiang)

Quả thật tác phẩm thử nghiệm của ông luôn “sặc mùi” thuốc súng. Cai Guo Qiang dùng thuốc súng sắp xếp rất tỉ mỉ và cẩn thận trước khi bắt đầu cho phát nổ. Quá trình sắp xếp này từ khi chuẩn bị đến khi bắt đầu cho nổ và kết thúc giống như một tác phẩm trình diễn. Khói thuốc súng sau khi cháy nổ đã để lại thành những nét vẽ phóng khoáng, mảng miếng đậm nhạt xuất thần trên toan. Với kỹ thuật sử dụng thuốc súng này Cai Guo Qiang đã làm nên danh tiếng của mình như một nghệ sĩ độc lập tầm cỡ quốc tế.

Tranh vẽ bằng cách cho nổ thuốc súng của Cai Guo Qiang
Một phòng triển lãm của Cai Guo Qiang
Tranh thuốc súng
Chân dung những người thợ mỏ vẽ bằng thuốc súng trong tác phẩm “1040m dưới lòng đất” tại Ukraina

Ngoài ra Cai Guo Qiang còn là một phù thủy khi sử dụng pháo hoa. Ông biến bầu trời trở thành toan vẽ cho mình trong các tác phẩm. Hàng loạt những buổi trình diễn pháo hoa nghệ thuật đã được ông thực hiện khắp các Bảo tàng nghệ thuật danh giá trên thế giới. Một chất liệu nghệ thuật truyền thống của Trung Hoa – một trong tứ đại phát minh của Trung Hoa cổ đại đã được Cai Guo Qiang thổi vào một tinh thần nghệ thuật thử nghiệm hết sức đương đại. Ông học kỹ thuật pháo hoa chính từ bà nội của mình và thái độ ông đưa ra với những tác phẩm nghệ thuật của mình như ông chia sẻ là tạo ra nghệ thuật từ những tiếng nổ. Tuổi thơ của ông chứng kiến quá nhiều sự chết chóc từ sau những tiếng súng nổ trong thời đại Cách mạng Văn hóa, nên khi thực hiện tác phẩm của mình, ông muốn sau mỗi tiếng nổ (biểu tượng của chiến tranh) không còn phải thấy sự chết chóc nữa mà là thấy sự thăng hoa kỳ diệu của sáng táo nghệ thuật. Kỳ Olympic Bắc Kinh vừa rồi chính quyền Trung Quốc cũng phải mời nghệ sĩ Cai Guo Qiang về để dàn dựng một màn pháo hoa nghệ thuật cho lễ khai mạc mở màn tạo nên điểm nhấn cho sự kiện.

Tãi thuốc súng
Trình diễn lửa của Cai Guo Qiang
Trình diễn nổ thuốc súng”Vòng tròn” của Cai Go Qiang

Trình diễn nổ pháo hoa “Nhà khói trắng” của Cai Go Qiang

Trình diễn pháo hoa giữa ban ngày của Cai Guo Qiang

Video trình diễn với pháo hoa : http://www.youtube.com/watch?v=FPV8zdiySlI

Ngoài những nghệ sĩ kể trên còn rất nhiều các nghệ sĩ khác, cũng có những thử nghiệm rất táo bạo trong sáng tạo vào cuối những năm 80 để cho ra đời một triển lãm nghệ thuật đương đại mang tên “Không quay đầu lại” hết sức quan trọng vào thời điểm bấy giờ. Với 297 tác phẩm của 186 nghệ sĩ tham gia, có thể nói đó là cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại đầu tiên ở Trung Quốc có quy mô hoành tráng đến như vậy.

Triển lãm “Không quay đầu lại” tại Bảo tàng Mỹ thuật Bắc Kinh 1989

Từ sau triển lãm này, hay nói đúng hơn là từ khi bắt đầu bước vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Trung Quốc đã thay đổi và cũng đã có rất nhiều đổi thay ngay trong chính các Học viện nghệ thuật. Thực sự là môi trường đào tạo nghệ thuật cần phải có những thay đổi mạnh mẽ để theo kịp sự biến động của thời đại cũng như sự phát triển nhanh chóng của tình hình nghệ thuật đương đại thế giới.

2. Sự ra đời chính thức của khoa nghệ thuật thử nghiệm trong môi trường Học viện từ những năm 2000

Sự hình thành và ra đời của khoa nghệ thuật thử nghiệm ở Học viện Nghệ thuật CAFA gắn liền với tên tuổi của nghệ sĩ Lv Sheng Zhong (Lã Thắng Trung).

Vốn là một nghệ nhân cắt trổ giấy truyền thống điêu luyện, ông đã có những tìm tòi, thể nghiệm từ rất sớm vào những năm 80, đưa nghệ thuật trổ giấy truyền thống thành một chất liệu để thực hành nghệ thuật thử nghiệm. Với motif “Tiểu hồng nhân” ông đã làm rất nhiều các biến thể trong các sắp đặt tương tác của mình. Có thể nói cùng với Xu Bing, ông đã trăn trở để tìm ra cách đưa nghệ thuật thử nghiệm trở thành một khoa chính thức được công nhận trong Học viện sau này.

Tác phẩm cắt giấy của Lv Sheng Zhong

 

Phòng triển lãm tranh cắt giấy của Lv Sheng Zhong

Một tác phẩm cắt giấy công phu của Lv Sheng Zhong

Với chủ trương lấy nền tảng bối cảnh văn hóa nghệ thuật đương đại đa nguyên trên toàn cảnh quốc tế, đồng thời lấy yếu tố bề dày văn hóa truyền thống thâm hậu của Trung Quốc làm bệ đỡ, khoa nghệ thuật thử nghiệm do Lv Sheng Zhong khởi xướng ngay từ đầu đã sớm tìm được sự khác biệt trong cách thức đào tạo với các khoa nghệ thuật khác vốn có truyền thống hình thành từ lâu đời. Hoàn toàn không có một chuyên ngành nào cụ thể được đào tạo của khoa, tất cả các lớp đều được học theo xưởng và phương pháp học tập chủ yếu là rèn luyện tư duy, khả năng nghiên cứu, thiết lập các phương án nghệ thuật đồng thời biết cách trình bày và bảo vệ các phương án đó. “Nghệ thuật phương án” chính là một “đặc sản” của khoa vào các đợt triển lãm cuối kỳ. Mỗi một “phương án nghệ thuật” sẽ được đóng thành sách hoặc in và dán lên tường như một bản thiết kế, người xem sẽ không xem tác phẩm cụ thể một cách thông thường, mà sẽ thưởng thức bằng cách ngồi xuống nghế và đọc các “phương án” nghệ thuật được đóng thành sách cẩn thận.

Các “nghệ thuật phương án” được đóng thành sách.

Với phương pháp thực hành và tiếp cận nghệ thuật thử nghiệm như trên, các giáo sư đã buộc các sinh viên của mình phải dành hết kỹ năng và tâm trí vào công việc quan trọng và mấu chốt nhất của một tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm đó chính là ý tưởng. Tất cả các chất liệu phương pháp thi công cụ thể sẽ bàn đến sau khi có điều kiện để biến ý tưởng thành tác phẩm thật. Hoàn toàn không có sự phân biệt cao thấp gì về chất lượng tác phẩm thông qua chất liệu và phương tiện tiến hành. Chỉ còn sự sâu sắc và hấp dẫn của ý tưởng làm nên giá trị của tác phẩm. Chính vì thế hoàn toàn không có chuyện “hiểu nhầm” giữa phương tiện và mục đích sáng tạo nghệ thuật, để coi việc sử dụng video, máy ảnh, hay sắp đặt, trình diễn… thì được gọi là nghệ thuật thử nghiệm.

Rất nhiều tác phẩm hay của sinh viên được bắt đầu với chất liệu bút chì, và giấy. Cụ thể như dự án “Giải phẫu các bức ảnh báo chí nổi tiếng” khi tác giả dùng bút chì và tẩy vẽ cắt lớp các nhân vật trong các bức ảnh báo chí nổi tiếng. Thậm chí hai bức ảnh “Em bé Napalm” và bức ảnh “Tướng Loan” trong chiến tranh Việt Nam cũng đã được sử dụng một cách khéo léo.

Dự án “Giải phẫu những bức hình báo chí nổi tiếng” của sinh viên Khoa Nghệ thuật thử nghiệm. Trong ảnh là hình cô gái Napalm.

Ảnh tướng Loan hành hình chiến sĩ Việt Cộng trên đường phố Sài Gòn

Đã có rất nhiều “phương án” tiếp cận nghệ thuật hết sức bất ngờ từ những bài tập và sáng tác của sinh viên khoa nghệ thuật thử nghiệm. Dự án dùng nghệ thuật cắt giấy truyền thống của Trung Quốc để làm tượng chân dung tự họa của Li Hong Jun hay các sắp đặt biến hình từ giấy của Li Hong Bo là những ví dụ điển hình của việc kết hợp di dản văn hóa dân gian truyền thống vào các tác phẩm thử nghiệm đương đại. Tất cả các chất liệu, phương tiện, thủ pháp đều được phép sử dụng trong các sáng tác của khoa nghệ thuật thử nghiệm, từ nhiếp ảnh, video, sắp đặt, trình diễn…, cho đến các chất liệu truyền thống như sơn dầu, đồ họa truyền thống, điêu khắc, Trung Quốc họa… đều có thể trở thành phương tiện để truyền tải các ý tưởng sáng tạo.

Tác phẩm điêu khắc chân dung tự họa từ giấy của Li Hong Jun

 

 

Sắp đặt biến hình từ giấy của Li Hong Bo

Tác phẩm từ giấy của Li Hong Bo

Tác phẩm sách đồ cổ của sinh viên khoa Nghệ thuật thử nghiệm

Các bạn có thể xem video tác phẩm video art của sinh viên khoa nghệ thuật thử nghiệm, tại đây

Có thể nhận thấy rất rõ yếu tố “truyền thống” và “đương đại” được kết hợp rất nhuần nhuyễn trong các sáng tác của sinh viên. “Đương đại” về ý tưởng và hình thức khi ẩn chứa bên trong các tác phẩm là những thực hành về nghệ thuật khái niệm. “Truyền thống” khi sử dụng chất liệu từ văn hóa truyền thống cũng như những di sản văn hóa không chỉ của nền văn hóa Trung Hoa nói riêng mà còn cả những di sản về văn hóa, di sản để lại từ lịch sử của các nên văn hóa khác, các dân tộc khác. Từ đó thể hiện được sự hội nhập với bối cảnh văn hoá nghệ thuật đương đại đa nguyên trên toàn cảnh quốc tế.

Tinh thần “thử nghiệm” được lan tỏa trong các khoa của môi trường Học viện

Nếu chứng kiến không khí nghệ thuật trong Học viện nghệ thuật những năm 90 mới thấy sau mốc năm 2000 (sau khi khoa nghệ thuật thử nghiệm và nhiếp ảnh đa phương tiện được thành lập) đã có sự khác biệt và thay đổi rõ rệt trong quan niệm cũng như cách tiếp cận nghệ thuật của sinh viên nghệ thuật.

Trước năm 2000 mặc dù không khí nghệ thuật của xã hội Trung Quốc cũng đã khác trước rất nhiều song nghệ thuật thử nghiệm dường như vẫn chỉ là khái niệm bên ngoài Học viện.

Sau năm 2000 cùng với sự lớn mạnh về kinh tế cũng như nghệ thuật đương đại Trung Quốc nhất là từ sau sự ra đời của khoa nghệ thuật thử nghiệm, dần dần các khoa khác trong trường cũng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi rõ rệt trong quan niệm về chất liệu của tất cả các khoa.

Tác phẩm sắp đặt bằng gương của sinh viên

Sinh viên có xu hướng thử nghiệm, tìm tòi những cách biểu đạt mới, dám mạnh dạn đưa ra nhiều ý tưởng táo bạo và thường kết hợp nhiều chất liệu nhiều phương thức tiến hành khác nhau, dẫn đến dần dần ranh giới phân biệt chuyên ngành giữa các khoa cũng thu hẹp đáng kể. Sinh viên gần như có thể sáng tác các bài tập và tốt nghiệp bằng tất cả các hình thức miễn sao phải giải trình được ý tưởng để có thể thuyết phục được các giáo sư. Dường như đã có một sự cởi trói về quan niệm sử dụng chất liệu cho tất cả các khoa ở trong trường. Mục tiêu phát huy tính sáng tạo độc đáo và khả năng tư duy độc lập của sinh viên đã được ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Không chỉ có riêng ở Bắc Kinh, thực hành nghệ thuật thử nghiệm đã trở thành một chuyên ngành chính thống ở tất cả các Học viện khác trên khắp Trung quốc, tiêu biểu như Học viện nghệ thuật ở Hàng Châu – nơi nổi danh với những trào lưu thử nghiệm tiền phong từ ngay những năm đầu thập niên 80…

Tác phẩm sắp đặt của sinh viên khoa Sơn dầu

Tác phẩm thử nghiệm của sinh viên khoa Đồ họa

 

Tác phẩm của sinh viên khoa Điêu khắc làm Quan Công biến hình từ 2 xe tải Đông Phong

 

Tác phẩm sắp đặt video của giáo sư Pan Gong Kai hiện đang hướng dẫn tiến sĩ ngành Trung Quốc họa

Đường link video tác phẩm tại đây

Với bài viết có tính chất khái quát này, tôi không có tham vọng để đi quá sâu vào từng diễn biến, từng thay đổi trong quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật thử nghiệm ở Trung Quốc. Tôi chỉ muốn thông qua quan sát nghiên cứu và kinh nghiệm học tập của mình ở môi trường Học viện nghệ thuật CAFA có thể điểm qua những nét chính, những yếu tố thay đổi có tính then chốt, đồng thời cũng đưa ra những kinh nghiệm trong cách thức tiếp cận với vấn đề “truyền thống và di sản” trong các thực hành nghệ thuật thử nghiệm của các nghệ sĩ thành danh cũng như những sinh viên nghệ thuật Trung Quốc. Hi vọng phần nào có thể mang đến cho người đọc có một cái nhìn toàn cảnh về một ví dụ điển hình gần gũi với môi trường nghệ thuật cũng như môi trường xã hội Việt Nam, với mong muốn góp phần vào sự phát triển về nghệ thuật cũng như sự nghiệp đào tạo nghệ thuật của nước nhà trên một tiêu chí phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Nguyễn Thế Sơn
7/2013

Comments are closed.