Văn hoá soi đường cho quốc dân đi- Dân Việt
Các nghệ sĩ Việt luôn mong muốn mang yếu tố dân tộc vào những sáng tạo của mình. Gần đây, điện ảnh và sân khấu kịch nước nhà cũng có rất nhiều sản phẩm mang đậm chất dân gian, điển hình như phim “Trạng Quỳnh”, “Tấm Cám”, “Trạng Tý”… Chúng đều được làm mới theo phong cách của điện ảnh hiện đại, không chỉ tạo sự thú vị cho người xem mà còn qua đó truyền tải những bài học, câu chuyện văn hóa từ thời xa xưa của người Việt.
Tôi nghĩ những người quản lý văn hóa nên có sự khuyến khích đối với những ấn phẩm văn hóa như vậy, bằng cách tạo ra một đường biên thông thoáng hơn trong khâu kiểm duyệt. Chúng ta nên có cách nhìn mới và hiện đại trong giai đoạn thế giới có nhiều phát triển, bên cạnh việc tuyên truyền và khuyến khích giới trẻ nuôi dưỡng văn hóa truyền thống.
Có một điều dễ nhận thấy là người nghệ sĩ càng được thúc đẩy, ủng hộ thì càng say mê sáng tạo, sự say mê của họ kích thích cục diện chung của nghệ thuật phát triển. Đương nhiên, chúng ta không nên “thoáng” quá, không chấp nhận những thứ lố lăng, nhưng rất cần tạo cơ hội cho những nghệ sĩ làm những tác phẩm văn hóa phù hợp với hơi thở hiện đại.
Khi ngồi trò chuyện với nhau, không ít những người bạn bè tôi hiện đang làm đạo diễn chia sẻ những ý tưởng táo bạo, họ say mê lắm nhưng lại nghĩ rằng: “Tôi không làm đâu. Bởi nếu làm chắc không được duyệt”. Họ cứ ấp ủ trong mình, chính sự ấp ủ ấy lại tạo thành nỗi bức bối, khó chịu. Làm thế nào để những người nghệ sĩ tự tin dám nghĩ, dám làm, đó là điều chúng ta rất cần thay đổi?
Tôi hy vọng Hội nghị Văn hóa lần này sẽ bàn sâu về câu chuyện nói trên. Đã đến lúc chúng ta phải có những cải tiến để đuổi kịp thế giới. Khi nhà quản lý mạnh dạn, những người sáng tạo sẽ mạnh dạn và dấn thân hơn vì nghệ thuật.
Nhà hát chúng tôi luôn đặt cho mình tiêu chí phải tiên phong làm những điều mới và sáng tạo, nhận được những ghi nhận trong giới âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung.
Tuy nhiên, văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng có lẽ vẫn chưa được đặt đúng với giá trị chất xám bỏ ra. Tôi cho rằng ngành công nghiệp văn hóa nghệ thuật chưa hề có, vẫn đang thiếu sự thấu hiểu và đầu tư của nhà nước.
Các quốc gia trên thế giới vô cùng coi trọng lĩnh vực văn hóa, bởi xét cho cùng, văn hóa chính là bộ mặt, nói lên sự phát triển của một dân tộc. Sự bảo tồn chúng ta đã và đang làm tốt, nhưng việc phát triển, phát huy vẫn chưa nhận đựơc sự động viên và cổ vũ. Tâm lý người sáng tạo có phần e dè hơn do nhiều quy định, giới hạn có phần cứng nhắc hoặc chưa thấu hiểu.
Đôi khi chúng tôi gặp khó khi kịch bản chương trình buộc phải thay đổi, tên tựa đề bị yêu cầu thay thế dù các tác phẩm trong đó chứa những ca từ mang nội dung đúng đắn. Các thế hệ nghệ sĩ trẻ luôn có những tư tưởng về hiện thực xã hội rất văn minh từ tính chuyên môn đến tư tưởng. Khi nhận được những chỉ đạo này, ý tưởng xuyên suốt của chương trình hoàn toàn bị đảo lộn, sự sáng tạo của người nghệ sĩ cũng không còn nguyên vẹn giá trị.
Là những người làm nghề nghiêm túc và mong muốn được cống hiến, chúng tôi thật sự hy vọng nhìn thấy nghệ thuật nước nhà phát triển một cách mạnh mẽ và đa sắc hơn.
Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn hiện là giảng viên khoa hội hoạ trường Đại học Mỹ thuật. Ngoài các triển lãm ở nhiều nước trên thế giới, anh hiện là giám tuyển một số dự án nghệ thuật đương đại nổi bật gắn kết với công chúng gần đây như đường bích hoạ ở phố Phùng Hưng, không gian nghệ thuật đương đại tại 500m đường hầm toà nhà Quốc hội…
Anh cũng cùng các nghệ sĩ tự bỏ tiền túi biến bãi rác Phúc Tân (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) thành không gian của các tác phẩm nghệ thuật đương đại với những câu chuyện kể về Thăng Long – Kẻ Chợ: “Tất cả những hoạt động đó chúng tôi đều tự làm, với mong muốn nuôi dưỡng văn hóa truyền thống, làm đẹp không gian Thủ đô, chứ không có kinh phí từ bất kỳ tổ chức nào”.
Chia sẻ với PV Dân Việt, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn tâm sự: “Trong khoảng thời gian gần đây, những hoạt động về nghệ thuật đa phương tiện nói chung diễn ra khá mạnh, đặc biệt là ở nước ngoài. Tức là nghệ sĩ Việt Nam đã có xu hướng mang tác phẩm của mình đi ra thế giới khá nhiều bằng nỗ lực cá nhân và thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài.
Có một thực tế là, trong quãng 20 năm nay, họa sĩ Việt Nam được biết tới nhiều nhất từ trước tới giờ và không liên quan gì tới các hội Mỹ thuật trong nước về mặt quản lý nhà nước. Rất nhiều tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam tại các bảo tàng, gallery ở Italia, Mỹ, nhưng họ không liên quan gì tới dòng chảy chính thống.
Việt Nam cũng là một đất nước khá hiếm hoi trong khu vực và thế giới chưa có một Bảo tàng Nghệ thuật đương đại (Contemporary Art Museum). Chỉ cần đi qua một số thành phố nước lân cận như Singapore, Bangkok – Thái Lan, Malaysia… họ đã có những bước phát triển vượt bậc so với Việt Nam. Và một số tác phẩm nghệ thuật đương đại có tiếng của các nghệ sĩ Việt Nam bây giờ lại thường được sưu tập ở Bảo tàng Singapore.
Các hoạt động của Hội Mỹ thuật Việt Nam dường như không có chỗ đứng cho nghệ thuật thể nghiệm, nghệ thuật đương đại… Những triển lãm mỹ thuật toàn quốc 5 năm một lần thường không mời những nghệ sĩ Việt Nam hoặc Việt kiều tên tuổi, được thế giới đánh giá cao tham gia. Tôi cho rằng không phải những người quản lý họ không tâm huyết, chỉ là họ chưa hiểu rõ về sự vận hành của nghệ thuật trên thế giới bây giờ, dẫn tới việc đầu tư không chính xác.
Nghệ thuật đương đại tại Việt Nam đang chảy máu ra nước ngoài, gần như không có thị trường trong nước.
Việc bảo vệ tác quyền kém đương nhiên cũng làm giảm chất lượng của nền mỹ thuật Việt Nam. Nạn tranh chép, tranh giả đã là câu chuyện quá cũ kỹ mà chúng ta chưa giải quyết được”.
Tại Việt Nam, chưa từng có tiền lệ giới nghệ sĩ bị thất nghiệp trên diện rộng như thời điểm hiện tại. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, rất nhiều nghệ sĩ xiếc đã phải tìm thêm nghề tay trái để đảm bảo cuộc sống.
Để trang trải cuộc sống, nhiều người đã chuyển hướng bán hàng online, thậm chí làm shipper, chạy xe công nghệ… Nhiều nghệ sĩ cảm thấy khó tìm lối thoát. Quả thật, một cuộc khủng hoảng toàn cầu như Covid-19 khiến người ta phải suy nghĩ lại về vị trí của nghệ thuật. Đây cũng chính là điều tôi trăn trở nhất.
Trong bối cảnh hiện tại, không thể đặt xiếc ở vị trí hàng đầu nữa, mà mối quan tâm lớn nhất của tôi là tài chính và sức khỏe. Vậy nếu đại dịch cứ kéo dài thế này, những nghệ sĩ như chúng tôi phải làm thế nào để tìm hướng đi đúng cho mình, và tương lai ngành xiếc sẽ đi đến đâu nếu thiếu vắng những nghệ sĩ tâm huyết với nghề. Đại dịch đang đe dọa sự đa dạng và ổn định trong tương lai của ngành.
Sự hấp dẫn của từng tiết mục xiếc tỷ lệ thuận với tính chất mạo hiểm. Ði theo nghiệp xiếc là chấp nhận thường xuyên phải đương đầu với những rủi ro, chấn thương, tai nạn. Bản thân tôi và em trai Quốc Nghiệp cũng đã bị thần kinh toạ nhiều năm dù tuổi của tụi mình vẫn còn khá trẻ. Đó là chưa kể những chấn thương cột sống, đốt sống cổ, bả vai mà cơn đau vẫn tái đi tái lại rất nhiều lần khi trái gió trở trời. Nhiều đồng nghiệp của Cơ còn bị chấn thương nhiều hơn thế.
Nghề nguy hiểm, tuổi nghề ngắn (nữ thường không quá 35 tuổi, nam không quá 45 tuổi) nhưng đãi ngộ dành cho nghệ sĩ xiếc không có cơ chế đặc thù, thu nhập thấp cho nên không thể thu hút nhiều tài năng trẻ.
Tôi cho rằng xiếc Việt Nam cần một chiến lược phát triển đồng bộ để khắc phục những hạn chế, trong đó chú trọng chính sách đào tạo dài hơi có tính đến những đặc thù của ngành xiếc từ khâu phát hiện tới đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ tài năng để ngành xiếc có lực lượng nhân lực xứng tầm, đáp ứng được nhu cầu cao của công chúng hiện đại và khẳng định vị thế trong thời kỳ hội nhập.
LTS: Khi đặt vấn đề về loạt bài “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” nhân Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra vào hôm nay (24/11), chúng tôi nhận được ý kiến thống nhất từ đa số các nhà nghiên cứu về việc cần thiết phải có một chính sách văn hóa mới đáp ứng được với tình hình thực tiễn của đất nước trong thời kỳ mới. Trong đó, văn hóa suy cho cùng hướng tới giá trị bản chất nhất là hình thành nhân cách con người Việt Nam mới và đảm bảo cho phát triển bền vững mà lợi ích dân tộc phải được đặt lên cao nhất.
Ý kiến các nhà nghiên cứu cũng cho rằng việc quan tâm đến “hệ giá trị chuẩn” của người Việt Nam là hướng đúng của Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần này, trong đó coi xây dựng nhân cách là cốt lõi, trung tâm của các hoạt động văn hóa.
Lúng túng, bị động, chạy theo đời sống văn hóa là thực tế có thật trong công tác quản lý văn hóa thời gian qua. Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi, ý kiến các nhà nghiên cứu và các văn nghệ sĩ thống nhất quan điểm: Về công tác quản lý văn hóa đã đến lúc cần có cách nhìn mới mẻ hơn. Cấu trúc nền văn hóa, các loại hình văn hóa không chỉ đơn tuyến là văn hóa chính thống và văn hóa bình dân mà còn xuất hiện hàng loạt các khái niệm khác mà chính sách văn hóa cần giải quyết.
Đã đến lúc rất cần một chính sách văn hóa kế thừa và bổ sung kịp thời vào lúc này để đáp ứng với đòi hỏi của đất nước thời kỳ hội nhập, để giáo dục và hình thành một lớp người Việt Nam mới đủ bản lĩnh bước đi trong thời kỳ hội nhập.
Loạt bài “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” được đăng tải trên báo Dân Việt/NTNN xin được kết thúc ở đây, hy vọng có thể góp thêm những ý kiến gửi đến Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021.