Về một Hà Nội, thành phố nghệ thuật, thành phố sáng tạo của tương lai

http://vannghequandoi.com.vn/vnqd-ket-noi/ve-mot-ha-noi-thanh-pho-nghe-thuat-thanh-pho-sang-tao-cua-tuong-lai_11376.html?fbclid=IwAR2PDNJ60OOoBw-5k6QwFWSiXdS538ZDWNLFBLj4NSG7AN8NLs5ZdsxPhIw

Tháng 10 năm 2019, tròn 20 năm kể từ khi được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên của “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO trên toàn cầu với danh hiệu “Thành phố thiết kế sáng tạo”. Xây dựng một Hà Nội trong tương lai như thế nào không chỉ là tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, các cơ quan quản lí ở cả cấp quốc gia và Hà Nội, nhưng chắc chắn một điều, chúng ta sẽ không thể bỏ qua các yếu tố văn hóa truyền thống trong việc xử lí các không gian văn hóa nghệ thuật, quy hoạch, kiến trúc của một “Hà Nội mới”. VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Đại học Mĩ thuật Việt Nam, người từng tham gia nhiều dự án cải tạo đô thị, về chủ đề ứng xử với các không gian công cộng của Hà Nội và tìm về bản sắc trong quá trình kiến tạo Thủ đô với hi vọng về một thành phố nghệ thuật, thành phố sáng tạo của tương lai.

– Có dịp đi nhiều nước trên thế giới, Hà Nội hiện tại trong mắt anh như thế nào? Ý tôi muốn hỏi cái nhìn về không gian công cộng đô thị. Chắc hẳn anh đã nhìn thấy những sự cần thay đổi hoặc những không gian gợi cảm hứng thay đổi của Hà Nội?

+ Trong hơn 10 năm qua quả thật tôi đã đi khá nhiều nước trên thế giới, tham gia vào rất nhiều đợt cư trú nghệ thuật ở các thành phố từ châu Âu, châu Mĩ cho đến châu Á, được đi xem và trải nghiệm tận mắt rất nhiều bảo tàng nghệ thuật cũng như những Bieannle nghệ thuật lớn trên thế giới. Điều cảm nhận rõ rệt nhất có thể thấy là hầu hết các thành phố tôi đi qua, nghệ thuật nói chung cũng như nghệ thuật công cộng nói riêng, đều hết sức được coi trọng. Có thể nói, nó như một tấm gương phản chiếu trình độ thẩm mĩ, trình độ văn hoá của cộng đồng cư dân thành phố đó. Điều này, đáng tiếc thay chưa trở thành một mối quan tâm của cả từ phía chính quyền tới người dân ở Hà Nội. Tiềm năng của thành phố Hà Nội có thể được coi là khá tốt khi có các lớp không gian đô thị nhiều tầng lớp của thời gian cộng với di sản cây xanh và mặt nước phong phú. Tuy nhiên do nhu cầu cũng như sự phát triển manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể tốt, nên thế mạnh tiềm năng đó kết hợp với sự phát triển kinh tế xô bồ, thiếu kiểm soát lại tạo ra một sự chắp vá, chưa có một tầm nhìn tổng thể. Hình ảnh đô thị chưa cho thấy được một tầm nhìn lấy văn hoá lịch sử làm điểm nhấn phát triển. Tôi nghĩ, trong tương lai Hà Nội nên hướng tới xu hướng lấy văn hoá nghệ thuật và ngành kinh tế sáng tạo làm mục tiêu và động lực để tăng trưởng, không gian đô thị vì thế cũng cần thể hiện được tinh thần sáng tạo thông qua việc phủ lấp xen kẽ bằng các dự án tác phẩm nghệ thuật công cộng, điều mà các đô thị văn minh đều hướng tới.

– Mối quan tâm ấy ắt hẳn phải bắt nguồn từ quá khứ đến hiện tại để nhìn về một tương lai của Hà Nội. Anh có thể chia sẻ những trải nghiệm cá nhân trong góc nhìn của mình với tư cách là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, có những gắn bó sâu sắc với cội rễ mảnh đất này?

+ Những dự án và tác phẩm của tôi phần lớn đều lấy chất liệu về Hà Nội, văn hoá và con người Hà Nội làm trọng tâm. Có lẽ do có quá nhiều duyên nợ với thành phố này. Ông bà và bố mẹ tôi đều sinh ra ở Hà Nội. Nhà ông bà tôi đều ở trên phố cổ, gia đình tôi cũng trải qua nhiều biến cố cùng những sự thay đổi lịch sử của Hà Nội. Bản thân tôi từ nhỏ tới lớn cũng sống theo cùng những thay đổi đó. Từng ở nhà ống phố cổ của ông bà lúc còn nhỏ, rồi chuyển đến ở một căn phòng trong một ngôi nhà biệt thự theo lối kiến trúc Pháp ở “khu phố Tây”, chứng kiến cảnh chung sống của nhiều gia đình trong một “khu tập thể” như vậy với đủ mọi vấn đề giữa không gian chung và riêng. Sau đó lại chuyển sang sống ở một ngôi nhà ống nhiều tầng trong ngõ. Và khi có gia đình riêng thì ở nhà tập thể cũ 5 tầng gần như là lựa chọn duy nhất. Cũng đã từng “trải nghiệm” việc ở “chuồng cọp” trong nhà tập thể. Và gần đây nhất ở nhà chung cư có thang máy cho tiện vận chuyển tác phẩm khổ lớn cũng thành một lựa chọn ưu tiên. Liệt kê chút như vậy để thấy, trải nghiệm sinh ra và lớn lên cũng như “bám rễ” ở mảnh đất này qua hầu hết các thể loại nhà và không gian ở của đô thị Hà Nội, nếm trải trực tiếp từng vấn đề của từng loại không gian ở trong đô thị. Đó là lí do câu chuyện chủ đạo trong các sáng tác của tôi thường hướng tới mối quan tâm là các câu chuyện nhà cửa và các không gian sống trong đô thị.Cầu Nhật Tân – một cây cầu hiện đại mới được xây dựng của Hà Nội. Ảnh: Vũ Quang.

– Trong phát triển đô thị hiện đại, nghệ thuật là yếu tố không thể bỏ qua. Một số nơi đã nhìn ra điều này trong tư duy quy hoạch đô thị hiện đại, chẳng hạn thành phố Denver, bang Colorado của Mĩ đã yêu cầu các chủ đầu tư khi lên kế hoạch phát triển một khu vực đô thị phải dành ít nhất 1% ngân sách cho nghệ thuật công cộng trong khu vực đó. Còn ở ta, tôi thấy những khu dân cư mới hiện đại, điển hình là của Vinhomes, cũng đã chú trọng đến điều này. Nhưng để thành một chính sách hay quan niệm phổ quát thì có vẻ như vẫn còn rất xa… Anh nghĩ thế nào về điều này?

+ Không phải chỉ ở Mĩ, những quy định trong luật xây dựng và chính sách nhà cửa, ở các thành phố bên châu Âu hay ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Singapore, Trung Quốc, Thái Lan… tôi đều nhìn thấy rõ. Các toà nhà, các khu building văn phòng đều dành không gian bày các tác phẩm điêu khắc hay sắp đặt lớn ở sảnh ngoài và trong mỗi khu dân cư, các công viên nhỏ, vườn hoa… cũng đều thấy sự hiện diện của các tác phẩm nghệ thuật công cộng trưng bày lâu dài hoặc ngắn hạn. Những dự án nghệ thuật ngoài trời chạy dọc theo các con sông trong thành phố cũng luôn kín lịch. Ngoài ra, các toà nhà mới xây dựng ở Trung Quốc tôi còn thấy rõ chính sách hỗ trợ thành phố mở các triển lãm trưng bày nghệ thuật miễn phí, vừa là luật quy định vừa là nghĩa vụ đối với các toà nhà và khu thương mại mới xây. Ở những nước phát triển Bắc Âu, Bộ Văn hoá hàng năm còn có chính sách đi thăm từng xưởng của những nghệ sĩ hoạt động chuyên nghiệp, sau đó sưu tập về để treo luân phiên ở những công trình toà nhà công cộng của thành phố, thư viện, trường học, bệnh viện, toà án… Có nghĩa là có thể thấy rất rõ trình độ phát triển và nhân văn của một thành phố tỉ lệ thuận với sự quan tâm đến nghệ thuật chăm chút cho đời sống thẩm mĩ, văn hoá của cộng đồng của người dân bằng những chính sách quy định từ cấp nhà nước. Và nó không còn là nghĩa vụ mà là một niềm tự hào của mỗi nhà tài trợ, mỗi công ti được đóng góp vào sự phát triển văn hoá, thẩm mĩ, nhân văn cho cộng đồng. Điều này đúng là còn quá xa vời ở Việt Nam. Những tập đoàn bất động sản lớn ở Việt Nam cũng thường nhập nhằng tỉ lệ này vào những hạng mục trang trí ngoại cảnh mang tính quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp, chứ chưa có tầm nhìn hướng vào nghệ thuật công cộng có tính sáng tạo và mang tính thẩm mĩ cao, hướng tới cộng đồng.

– Ngày nay, khi các đô thị lớn trên thế giới đều phát triển, chuyển mình, chúng rất dễ giống nhau bởi các tòa cao ốc, các trung tâm thương mại, vui chơi giải trí… đến việc xử lí các không gian công cộng. Nếu không nhìn ra bản sắc riêng, một đô thị rất dễ bị “đồng phục” hóa. Với Hà Nội của chúng ta, việc “điểm huyệt” đúng mạch ngầm văn hóa, nhìn ra cái gì là bản sắc có khó không theo anh?

+ Chính xác là như vậy, toàn cầu hoá, hiện đại hoá mang tới những giá trị phổ quát, đặc biệt là các xu hướng thương mại, giải trí. Nếu bê nguyên hay học hỏi không tới nơi tới chốn sẽ dần xoá nhoà bản sắc ở mỗi vùng đất, mỗi thành phố. Với Hà Nội, một thành phố thấm đượm nhiều lớp trầm tích văn hoá – lịch sử, mỗi vị trí, mỗi nơi chốn trong thành phố đều có những câu chuyện bản địa, đặc sắc mà chỉ có ở nơi chốn ấy. Quan trọng là làm sao những dự án nghệ thuật ở mỗi địa điểm phải có khả năng đối thoại cũng như gợi lên được những tương tác văn hoá thú vị cho người xem. Có như vậy mới tạo ra được sự riêng có của từng nơi chốn cũng như từng dự án nghệ thuật. Để nhìn ra điều đó cần cái tâm của cả người làm nghệ thuật cũng như người quản lí, cùng hướng tới những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Điều này không dễ nhưng không phải không làm được.

Ông Michael Croft – Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội cho rằng, nếu như Hà Nội được UNESCO ghi danh là “Thành phố vì hòa bình” từ 20 năm trước, xuất phát từ truyền thống đoàn kết và nhân ái thì hôm nay, “Hà Nội – Thành phố sáng tạo” là một danh hiệu mới, danh hiệu của thế kỉ XXI: “Quý vị đã giương cao ngọn đuốc của nền văn hóa hòa bình trong nhiều thập kỉ, và giờ đây, với danh hiệu “Thành phố sáng tạo”, Hà Nội tái khẳng định cam kết của mình đối với sự phát triển lấy con người làm trung tâm. Đó là con đường đảm bảo rằng sự phát triển của thành phố không chỉ được tính bằng các số liệu thống kê và lợi nhuận, mà còn bởi những đặc điểm tốt đẹp nhất của con người, lòng trắc ẩn và sự sáng tạo của chúng ta – những điều chúng ta được trải nghiệm mỗi ngày khi đi trên những con phố và tương tác với những người con của thành phố tươi đẹp này”.

– Vâng! UBND thành phố Hà Nội vừa phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm cấp cao tham vấn về sáng kiến: “Hà Nội – Thành phố sáng tạo”. Bằng quan sát cá nhân, anh có cho rằng đây là một cơ hội để Hà Nội tiến gần hơn với các thành phố trên thế giới mà vẫn giữ được bản sắc của mình? Kinh nghiệm từ các nước cũng quý, nhưng có lẽ “không ai hiểu mình bằng chính mình”?

+ Tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để Hà Nội bước đi dứt khoát trong hướng tiếp cận với chuỗi các thành phố thông minh, thành phố sáng tạo trên thế giới. Chính Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng đã trở thành một ví dụ tiêu biểu để Sở Văn hoá và Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội mạnh dạn đề xuất xin gia nhập hệ thống các thành phố sáng tạo trên thế giới. Tôi nghĩ đây là một tín hiệu tốt cho quá trình hội nhập với khái niệm sáng tạo. Một thành phố mà nghệ thuật nói chung, nghệ thuật công cộng nói riêng “có đất dụng võ” thì có nghĩa là bắt đầu coi trọng sự sáng tạo, và vì thế nền kinh tế sáng tạo mới có khả năng được phát triển. Tôi nghĩ, đã đến lúc chính quyền phải coi sự sáng tạo có ý nghĩa sống còn trong việc phát triển đô thị, mà biểu hiện dễ nhìn nhận thấy nhất đó chính là nghệ thuật công cộng. Nhưng một khi đã xác định phát triển nghệ thuật công cộng thì cũng cần phải tính toán đến tính độc đáo và có bản sắc riêng. Nghệ thuật chính là phương tiện hữu hiệu để truyền tải thông điệp văn hoá của một cộng đồng gắn kết ở một nơi chốn cụ thể. Chính vì vậy tôi nghĩ nên có những chính sách khuyến khích và tạo cơ hội cho những nghệ sĩ, người làm văn hóa trong cộng đồng bản địa được tham gia kiến tạo.

– Tôi cũng nghĩ, để ứng xử phù hợp với một thành phố thì cần bắt đúng mạch văn hóa của nó chứ nếu không thì dù có được đầu tư đúng mức cho không gian công cộng cũng chỉ là những không gian đẹp nhưng lạnh lùng và xa lạ. Yếu tố văn hóa bản địa là điều vừa phải đạo, vừa thiêng liêng và vị nhân sinh nữa. Ở góc độ triển khai ứng dụng nghệ thuật trong các khu vực của Hà Nội như các dự án anh đã và đang tham gia thực hiện hoặc giữ vai trò giám tuyển, điều này đã được quan tâm như thế nào?

+ Với vai trò là giám tuyển và nghệ sĩ trực tiếp tham gia một số dự án nghệ thuật gắn với nơi chốn gần đây như Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng, Dự án nghệ thuật đương đại trong hầm nhà Quốc hội, và gần đây nhất là Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, tôi quan tâm tới một điểm chung, đó là yếu tố tương tác. Tương tác thứ nhất là với nơi chốn đặt để tác phẩm, tác phẩm phải tương tác được với ngữ cảnh văn hoá lịch sử mà nó đặt ở đó. Tương tác thứ hai là tác phẩm có khả năng tương tác với người xem, tương tác về mặt văn hoá với người xem. Và cuối cùng là sự tương tác giữa các tác phẩm trong dự án với nhau tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh có tính liên kết để có thể dẫn dắt cảm xúc cho người xem.Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn giới thiệu về Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng cho khách nước ngoài. Ảnh: Duy Phạm.

– Cụ thể, với hai dự án có tính thử nghiệm mà anh tham gia cũng như đóng vai trò tích cực trong triển khai thực hiện là Phố bích họa Phùng Hưng và Bức tường nghệ thuật Phúc Tân, bước đầu đã đem lại những tín hiệu tốt, mở rộng hơn, cả khu vực đường sắt dẫn lên cầu Long Biên với 131 vòm đá dọc phố Phùng Hưng tới đây được khai thông và khu vực ngoài đê quanh không gian cầu Long Biên tiếp giáp khu trung tâm quận Hoàn Kiếm, có vẻ như đây là một không gian giàu tiềm năng cho những ý tưởng cải tạo không gian công cộng rộng lớn này. Anh có thể chia sẻ một chút về tổng quan ý tưởng cho khu vực mà anh dành nhiều tâm huyết những năm qua?

+ Mấy năm trở lại đây có lẽ do duyên nợ mà tôi dành khá nhiều tâm sức cho một số dự án nghệ thuật công cộng trong khu vực quận Hoàn Kiếm, cụ thể là những không gian kết nối xung quanh cây cầu Long Biên lịch sử. Đầu tiên là Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng với 200 mét chạy dài hơn 20 ô vòm cầu được thực hiện vào năm 2017 và gần đây cũng vẫn là cầu Long Biên nhưng kết nối với khu vực Phúc Tân ngoài bờ sông Hồng đoạn chân cầu Long Biên. Vừa rồi tôi có tư vấn cho thành phố việc di chuyển bức tranh cổ động quý giá của hoạ sĩ Trường Sinh ở khu vực ngã tư chợ Mơ về gần chân cầu Long Biên, đối diện bức tranh gốm sứ đặc sắc nhất của Dự án con đường gốm sứ. Bức tranh sẽ được phục hồi nửa bị đập vỡ trong một hình hài nghệ thuật mới như một chứng nhân lịch sử cho nghệ thuật công cộng thời kì bao cấp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Với ý tưởng kết nối các dự án và tác phẩm nghệ thuật công cộng qua các thời kì và giai đoạn thông qua biểu tượng cây cầu Long Biên lịch sử, tôi nghĩ khu vực này sẽ trở thành một địa chỉ nghệ thuật thu hút du khách khi di chuyển bám theo lộ trình của cây cầu, mở ra cách tiếp cận mới cho du khách cũng như nâng cao sức hút tổng thể của khu vực quận Hoàn Kiếm kết nối xuyên suốt từ lõi của khu vực phố cổ tới khu vực thoáng đãng gần gũi thiên nhiên dọc sông Hồng. Nếu có một tầm nhìn trong quy hoạch, tôi nghĩ khu vực bờ vở sông Hồng với một diện tích bãi bồi lên tới 5 héc ta, khi được đầu tư quan tâm đúng cách sẽ trở thành một công viên du lịch sinh thái kết hợp với công viên nghệ thuật, chính là một hướng đi đột phá không chỉ cho quận Hoàn Kiếm nói riêng mà cho cả thành phố Hà Nội nói chung trong tương lại gần. 131 vòm cầu trong lõi phố cổ nếu được khai thác và có nghiên cứu tốt sẽ trở thành những địa điểm văn hoá lí tưởng, kích thích nền kinh tế sáng tạo, thậm chí sẽ trở thành trọng tâm cho quá trình thúc đẩy kinh tế ban đêm.

– Có thể nói, những khu vực nói trên khi nhắc đến thường khiến người ta liên tưởng đến những điều không hay ho lắm về vệ sinh, về mĩ quan đô thị và ít nhiều “định kiến” với nó. Để thay đổi, thậm chí là thay đổi 180 độ, cần nhiều giải pháp đồng bộ, mà trước hết là từ cách nhìn nhận của chính quyền, cơ quan quản lí văn hóa sở tại… Khi bắt tay thực hiện các dự án, những người thực hiện đã thuyết phục về chúng thế nào để nhận được sự đồng thuận?

+ Vâng! Trước khi những dự án chúng tôi làm và triển khai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thì đều là những khu vực có tiếng là mất vệ sinh và nhiều vấn đề khác, ví dụ đoạn phố Phùng Hưng nổi tiếng vì “mùi” xú uế từ bãi xe ô tô, hay khu vực Phúc Tân thì nổi tiếng với “xóm liều”, rất mất vệ sinh và không an toàn, ít ai “người ngoài” dám ra khu vực đó, nhất là ban đêm. Nhưng từ sau khi có dự án nghệ thuật được triển khai, cả hai khu vực trên đều thay đổi 180 độ. Đoạn phố Phùng Hưng giờ trở thành con phố nghệ thuật đông đúc nhất phố cổ, lúc nào cũng sáng đèn lồng, các hoạt động văn hoá biểu diễn văn nghệ, sân chơi, trò chơi dân gian… thường xuyên diễn ra; là nơi check in của hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước suốt hơn 3 năm qua. Còn khu vực 500 mét dài ngoài Phúc Tân giờ trở nên sạch sẽ thoáng mát, không còn ô nhiễm và mất hẳn các vấn đề phức tạp, tệ nạn xã hội; thay vào đó là những hoạt động mới, lối sống mới lành mạnh, thể thao văn hoá, diễn ra dưới ánh sáng của các tác phẩm được thắp đèn chiếu sáng mỗi tối.

Tất cả đều do sự phối hợp đồng bộ của chính quyền và người dân cũng như các nghệ sĩ. Nhưng có lẽ Dự án Phúc Tân là một sự thay đổi ngoạn mục hơn cả, khi chúng tôi quyết định đi một bước quan trọng, đó là gặp gỡ người dân để thuyết trình các ý tưởng nghệ thuật. Khi mọi việc trở nên minh bạch và rõ ràng với lợi ích về môi trường và văn hoá người dân có thể cảm nhận được, chúng tôi đã có những bước triển khai và hoàn thiện dự án nhanh chóng dưới sự hỗ trợ giúp đỡ tận tình của bà con và các hội đoàn ở địa phương. Dự án từ yếu tố nghệ thuật công cộng đã nhanh chóng tích hợp thành dự án nghệ thuật cộng đồng, mang đến hiệu quả bất ngờ, chuyển biến tích cực về cảnh quan, vệ sinh môi trường cho người dân trong khu vực. Và chính điều này đã giúp Dự án vượt qua Ban kiểm duyệt của Sở Văn hoá một cách nhẹ nhàng. Điều mà chúng tôi không được may mắn như vậy khi ở Dự án Phùng Hưng.

– Ở Dự án Phùng Hưng các anh đã không tìm được tiếng nói đồng thuận?
+ Đó là một Dự án mà trước đó Hội đồng kiểm duyệt của Sở Văn hoá không có kinh nghiệm trong việc cấp phép cũng như không thể lường hết được sự ảnh hưởng tới đời sống văn hoá và diện mạo của khu phố cổ sau đó. Với kinh nghiệm trước đó của Sở Văn hoá từ những dự án trang trí theo lối một chiều không có yếu tố tương tác, như Dự án con đường gốm sứ hay những dự án tượng điêu khắc ngoài trời…, những tác phẩm giàu tính tương tác và và gợi mở sự suy tư hay sáng tạo tiếp cho khán giả của các nghệ sĩ Việt Nam trong Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng cũng khiến cho Hội đồng Nghệ thuật lúng túng và khá duy ý chí trong cách xử lí vấn đề. Hội đồng Nghệ thuật của Sở Văn hoá đã bác bỏ hầu như toàn bộ các phương án sáng tạo của các tác giả trên đoạn tường, gần như dẹp bỏ tất cả các phần sắp đặt 3D có tính tương tác, chỉ cho phép vẽ lên tường, và áp đặt cả quan niệm thẩm mĩ cá nhân. Các nghệ sĩ đã không đồng ý và kiên quyết bảo lưu ý tưởng sáng tạo của mình. Chính vì vậy dự án đã nhiều lần không thể đi tiếp, các nghệ sĩ nản, và xin rút vài lần. Tuy nhiên, chính nhờ sự tiếp nhận nồng nhiệt và phản ứng tích cực của người dân và du khách cũng như các phương tiện truyền thông, dự án đã tồn tại được đến ngày hôm nay là hơn 3 năm, có thể coi là hết thời gian của Dự án, mà không gặp phản ứng thái quá nào của Hội đồng Nghệ thuật. Vì vậy có thể thấy người dân, và công chúng chính là “Hội đồng Nghệ thuật” đích thực. Một dự án hay một tác phẩm có tồn tại được hay không, tồn tại được bao lâu, chính là do chất lượng của dự án cũng như từ phản ứng của công chúng.

– Có lẽ cũng cần nhìn thêm từ phía đối tượng thụ hưởng nữa: Những người dân, họ ứng xử với những giá trị mà các dự án nỗ lực tạo ra và hướng đến thế nào? Có vẻ như chúng ta thường quan tâm đến tính tương tác giữa tác phẩm nghệ thuật với công chúng nhiều hơn là ngược lại. Tôi lấy ví dụ, con đường gốm sứ rất dài đã làm thay đổi diện mạo tuyến đường dọc đê sông Hồng, nhưng người ta vẫn bắt gặp cảnh một số người làm nghề xe ôm, hàng rong úp mặt vào đó “tè bậy” như thói quen xưa nay. Chúng ta có thể làm gì khác ngoài việc hi vọng mọi thứ sẽ tốt dần lên…

+ Yếu tố tương tác với tác phẩm từ phía người xem là điều cần phải được tính toán kĩ lưỡng. Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm và phẩm chất của nghệ sĩ tham gia dự án. Nếu không tính toán được hết các khả năng tương tác của người xem, kể cả tương tác tiêu cực thì sẽ dẫn tới sự mất kiểm soát và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của một dự án nghệ thuật. Chính vì vậy, yếu tố nghiên cứu ngữ cảnh, nghiên cứu và ứng xử với cộng đồng chính là yếu tố rất then chốt cho sự thành công của một ác phẩm hay một dự án nghệ thuật công cộng. Chỉ khi nào người dân thực sự cảm nhận được lợi ích và ý nghĩa của việc xuất hiện tác phẩm ở đấy mới hi vọng có những tương tác văn hoá tích cực sau đó.

Dự án con đường gốm sứ, theo cá nhân tôi, đã không làm tốt được việc khảo sát mục đích đối tượng thụ hưởng tác phẩm trên địa hình đặc trưng như vậy, chính vì thế đã không thể tính toán và kiểm soát được những tương tác ngoài ý muốn.

Nguyễn Thế Sơn là một nghệ sĩ thị giác, một nhiếp ảnh gia, giám tuyển độc lập và là giảng viên của Trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam.– Tốt nghiệp Khoa Hội họa, Trường Đại học Mĩ thuật Hà Nội.– Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chuyên ngành tiếng Anh – Trung.– Tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật và Nghệ thuật thực nghiệm tại Học viện Mĩ thuật Trung ương Trung Quốc, Bắc Kinh (CAFA).– Các tác phẩm của anh thường mang đậm tính chất nghiên cứu xã hội học, chất vấn, suy tư về kí ức và những giá trị nhân văn bị đổ vỡ, những mất mát trong quá trình xung đột giá trị của xã hội Việt nam thời kì chuyển đổi.– Anh đã thực hiện hơn 20 triển lãm cá nhân và rất nhiều các triển lãm nhóm, được trưng bày triển lãm ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Mĩ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc…– Tác phẩm của anh đã được sưu tập tại một số bảo tàng như Worcester Art Museum, Đại học RMIT, Bảo tàng Nghệ thuật CAFA…

– Về những ứng xử từ phía đối tượng thụ hưởng cũng có nhiều vấn đề, chẳng hạn với người dân sở tại có gắn bó với khu vực sẽ khác, dân nhập cư sẽ khác, lao động tự do sẽ khác, và khách vãng lai sẽ khác… Đâu là mẫu số chung để chúng ta tin vào một sự trân trọng hay ít nhất là tôn trọng đối với những nỗ lực cải thiện không gian sống dành cho tất cả mọi người, trong đó có chính họ?

+ Đây là một bài toán tổng thể. Chúng tôi cũng đã phải đương đầu với những câu hỏi như vậy trong quá trình thực hiện 2 dự án nghệ thuật công cộng trong khu phố cổ. Rõ ràng thực tế trả lời có lẽ sẽ có hiện tượng “tè bậy” ở dự án của chúng tôi. Giải pháp đưa ra tôi nghĩ phải đồng bộ và phải đặt mình ở vị trí của người thụ hưởng những tác phẩm và dự án đó. Nếu không giải quyết được vấn đề đó, thì không tài nào bảo vệ được tác phẩm 24/24. Điều đầu tiên quyết định nhất là phải làm sao cho cộng đồng cư dân thụ hưởng trực tiếp ở khu vực nhận thức được ý nghĩa và giá trị của dự án, phải thuyết phục cho bằng được mới triển khai thực hiện. Như ở Dự án Phúc Tân, chúng tôi quyết định chỉ làm tác phẩm khi người dân ở đó hiểu và mong muốn chúng tôi làm, cũng như cam kết sẽ chung tay bảo vệ, nhắc nhở nhau trông nom giữ gìn tác phẩm. Người dân sẽ tự nghĩ ra các cách thức sáng tạo để trông coi và giữ gìn vệ sinh cũng như an ninh trong khu vực. Và điều thứ 2, đó là bổ sung thêm phương tiện để giám sát những thành phần vãng lai hoặc cố ý phá hoại bằng công cụ camera giám sát như ở Phùng Hưng và sắp tới là ở Phúc Tân. Thực tế là đã gần một năm trôi qua, khu vực tưởng chừng như sẽ có nhiều vấn đề xảy ra nhất với các tác phẩm ngoài trời như ở Phúc Tân, thì chúng tôi chưa gặp phải bất kì hành động cố ý phá hoại tác phẩm nào. Và một điều lưu ý nữa là bản thân các tác giả cũng phải tính toán trong cách sử dụng vật liệu và cách thức trưng bày lắp đặt để đạt độ chắc chắn trong điều kiện ngoài trời cũng như những tác động ngoài ý muốn trong phạm vi cho phép.

– Hà Nội là một trong không nhiều thủ đô trên thế giới nằm ở địa thế ven sông, tạo tiền đề cho kiến trúc đô thị lấy đôi bờ sông làm điểm nhấn, nhưng do nhiều lí do, lâu nay chúng ta chưa thực hiện được. Khu vực ngoài đê vẫn như phần phụ, sân sau bị bỏ qua, dù nó kề ngay khu phố cổ. Anh có kì vọng những dự án như Bức tường nghệ thuật Phúc Tân sẽ góp phần làm thay đổi điều này?

+ Như tôi đã trao đổi ở trên, thực hiện dự án này, chúng tôi mong muốn sẽ tạo thành một cú hích để khuyến khích sự hình thành và phát triển của khu vực này ở cả khu vực bờ vở chạy dọc sông cũng như khu vực bãi bồi sớm được đầu tư thành một công viên sinh thái và công viên nghệ thuật trong tương lai không xa. Hà Nội xứng đáng là một thành phố có thể tự hào về một cảnh quan đặc sắc và đậm nét văn hoá ven sông. Điều này cả Huế và Sài Gòn đã giải quyết triệt để được nhiều năm nay.

– Một thành phố cũng mang trong mình những kí ức, nhưng đôi khi những kí ức ấy bị đứt gãy hoặc bị lu mờ, nó chưa được đánh thức, chưa được gọi tên… Cây cầu Long Biên trên 100 tuổi với những gì gắn bó với nó suốt hơn một thế kỉ chẳng hạn, bản thân nó cũng gánh chở nhiều kí ức của không chỉ một lớp người Hà Nội, chứng kiến sự vận động, đổi thay của mảnh đất ven sông này. Gọi tên kí ức đô thị cũng chính là tìm về những trầm tích văn hóa dễ bị ngủ quên trong những bộn bề của hôm nay, và đó chính là bản sắc riêng của Hà Nội. Anh có nghĩ như thế?

+ Vâng! Một chủ đề xuyên suốt các nghiên cứu và thực hành nghệ thuật cá nhân cũng như nhóm của chúng tôi trong hơn 10 năm trở lại đây chính là “đô thị và kí ức”. Hà Nội là một thành phố với nhiều lớp trầm tích thời gian bị đứt gãy kí ức nhiều khi từ những lớp người nhập cư nối tiếp nhau không ngừng nghỉ qua các giai đoạn. Chính những di sản kiến trúc, di sản cảnh quan còn sót lại là những kết nối quan trọng có thể đánh thức niềm tự hào chung về một thành phố sáng tạo của tương lai từ chính truyền thống và bản sắc văn hoá bản địa.

– Anh mong muốn một Hà Nội, thành phố sáng tạo của tương lai sẽ như thế nào?

+ Tôi mong muốn Hà Nội sẽ thành một thành phố quốc tế, thành một điểm thu hút và kết nối các sáng tạo văn hoá trong khu vực và quốc tế, ở đó ngành công nghiệp sáng tạo có cơ hội phát triển mạnh tạo ra những sự cạnh tranh độc đáo dựa trên chính bản sắc văn hoá của Hà Nội. Hà Nội sẽ thành một thành phố của nghệ thuật.

– Cám ơn anh đã chia sẻ với VNQĐ!

Comments are closed.