Viết tiếp những giá trị sáng tạo mới- báo văn hóa
VHO- Lấy cảm hứng từ kỹ thuật và chủ đề của dòng tranh dân gian Hàng Trống, các tác giả trẻ đã vượt qua cách tiếp cận mô phỏng, ghi chép thông thường để sáng tạo, ứng tác, đối thoại được với di sản. Qua đó, viết tiếp những giá trị sáng tạo mới, đưa truyền thống vào đời sống và thực hành nghệ thuật đương đại.
Các nghệ sĩ trẻ đã sáng tạo đối thoại được với dòng tranh Hàng Trống Ảnh: T.NAM
Tại đình Nam Hương, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội đang diễn ra triển lãm “Từ truyền thống đến truyền thống”. Lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian Hàng Trống từng xuất hiện và dần mai một ngay trên chính con phố thuộc huyện Thọ Xương xưa kia, trong gần 1 tháng, các sinh viên được tuyển chọn từ chuyên ngành sơn mài và lụa thuộc khoa Hội họa và nghệ sĩ trẻ vừa tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã tiếp thu, khám phá những đặc sắc của dòng tranh từ nghệ nhân cuối cùng Lê Đình Nghiên. Từ đó, họ sáng tạo tác phẩm đối thoại được với dòng tranh đặc sắc này.
Từ truyền thống đến truyền thống
Theo giám tuyển Nguyễn Thế Sơn: “Nhiều phương án tác phẩm đưa ra khá bất ngờ, các bạn trẻ đã ứng tác dựa trên tinh thần của tranh Hàng Trống, nhiều tác phẩm còn có thể tương tác, đối thoại được với ngôi đình Nam Hương. Có thể thấy, các bạn trẻ đã hiểu nơi chốn, giá trị văn hóa căn cốt để đưa vào tác phẩm”.
Tham gia triển lãm, tác giả Nguyễn Xuân Lam giới thiệu một thử nghiệm mới giữa tranh dân gian và phù điêu ảnh: “Trong hơn 4 năm qua, tranh dân gian Việt Nam là nguồn cảm hứng lớn trong những sáng tác của tôi. “Ngũ Hổ” là bức tranh đầu tiên tôi thực hiện trong dự án Vẽ lại tranh dân gian vào năm 2016, kết hợp giữa cách thể hiện nguyên sơ của hội họa truyền thống là vẽ chì trên giấy cùng một kỹ thuật điển hình của đồ họa hiện đại là những mảng chuyển màu rực rỡ và sắc nét. Chất liệu in phun trên xốp thường được sử dụng trong ngành công nghiệp quảng cáo, biểu tượng của văn hóa đại chúng ngày nay đã được xử lý và hoàn thiện tỉ mẩn hoàn toàn bằng tay để không làm mất đi tính thủ công của những bức tranh dân gian. Chọn “Ngũ Hổ” tham gia dự án, bởi đây là bức tranh không chỉ có ý nghĩa với tôi về mặt cá nhân, mà còn là một đối thoại giữa tôi và không gian của triển lãm – Đình Nam Hương, tọa lạc trên con phố Hàng Trống, nơi sản sinh và lưu giữ dòng tranh này”.
Trong khi đó, Phạm Tuấn Anh tham gia triển lãm để giới thiệu “Bà Chúa”: “Tận dụng lợi thế của chất liệu lụa có tính mềm mại và mỏng có thể xuyên sáng, tôi muốn thể hiện tranh Hàng Trống bằng phương pháp vẽ nhiều lớp lụa, đưa không gian Bà Chúa đang ở trong điện thờ kết hợp với chất liệu lụa cùng ánh sáng đèn để tạo nên một cách thể hiện mới”.
Với mong muốn nghiên cứu về các loài thực vật bản địa xuất hiện trong hội họa truyền thống, Nguyễn Thị Hoài Giang cùng Nguyễn Thị Trang giới thiệu tác phẩm sơn mài, giấy dó “Trong vườn hoa Hàng Trống”. Phần tranh sơn mài được tạo hình để khuyến khích người xem trực tiếp tương tác và cảm nhận bề mặt chất liệu. Phần giấy dó ghi chép lại những mẫu cỏ cây quen thuộc đã luôn hiện diện trong tranh dân gian từ bao đời nay… Tác giả Nguyễn Thị Hoài Giang cho biết: “Tranh Hàng Trống bên cạnh chủ đề, bút pháp vô cùng đặc sắc, sử dụng kỹ thuật in trước rồi vẽ đè lên, và qua bàn tay của nghệ nhân để truyền tinh thần của tranh đến người xem. Bên cạnh chủ đề về tranh thờ, sinh hoạt, tôi thích chủ đề thiên nhiên nên lựa chọn mảng này để làm tác phẩm của mình”.
Tiếp nối và bồi đắp
Với cách tiếp cận mới, “Từ truyền thống tới truyền thống” đã thu hút đông đảo công chúng tới thưởng lãm không gian nghệ thuật trong ngôi đình cổ vừa được trùng tu khang trang. TS. NGƯT Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, ông khá bất ngờ khi đến tham quan triển lãm: “Không gian đậm đặc truyền thống, từ ngôi đình Nam Hương và tác phẩm, chất liệu lụa và sơn mài của Việt Nam. Nhưng không chỉ đóng khung trong truyền thống, các tác phẩm có sự tiếp nối, chuyển tiếp của nghệ thuật đương đại. Truyền thống đã được nuôi dưỡng, bồi đắp…”.
Cuộc trưng bày lần này, theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, là dịp để cổ vũ và tôn vinh sáng tạo cá nhân của những sinh viên, những nghệ sỹ trẻ trên con đường sáng tác độc lập phía trước, luôn quan tâm đến các giá trị di sản văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa để đưa vào các thực hành nghệ thuật. Đây cũng là một cách bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản một cách có tính sáng tạo hơn.
Hy vọng với thời gian trưng bày gần 2 tháng, triển lãm sẽ kích thích sự quan tâm của giới trẻ cũng như của cộng đồng trước những vấn đề sống còn của các giá trị di sản văn hoá nói chung cũng như của nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống nói riêng. Đồng thời cũng khơi gợi tình yêu và sự trân quý các di sản văn hóa truyền thống, không những của Việt Nam mà của các nền văn hóa khác, dân tộc khác, khi phần tiếp theo của dự án sẽ kết nối di sản văn hóa của tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản tiếp tục được ứng tác với chất liệu truyền thống sơn mài và lụa trong nền hội họa Việt Nam sẽ diễn ra vào năm sau.
THÁI NAM