Thay hình đổi mặt – Hỏi và đáp – Mỹ thuật Việt Nam- Tạp chí mỹ thuật
http://vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/2016/12/5417.html
Triển lãm- sắp đặt “Thay hình đổi mặt” của hai họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và Trần Hậu Yên Thế có thời gian trưng bày khá dài, từ ngày 23/9/2016 đến ngày 5/11/2016 tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ và Văn minh Pháp, L’Espace, Tràng Tiền, Hà Nội. Sự kết hợp này tương đối đặc biệt vì hai họa sĩ kết hợp các ý tưởng có vẻ như rất khác biệt với một đối tượng là nhà tập thể. Dưới đây là những câu hỏi thú vị của Tiến sĩ Đinh Hồng Hải với nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn và Trần Hậu Yên Thế.
Đinh Hồng Hải (ĐHH): Triển lãm lần này hai anh hợp tác với nhau như thế nào để có thể kết hợp các ý tưởng có vẻ như rất khác biệt như vậy với một đối tượng là nhà tập thể?
Nguyễn Thế Sơn (NTS): Tiếp tục với chuỗi tác phẩm trong dự án dài hơi về “Sự biến đổi cảnh quan của đô thị trong thời kỳ chuyển đổi”, với dự án “Thay hình đổi mặt”, lần này tôi muốn bổ sung tiếp một mảng nghiên cứu về một diện mạo rất điển hình của đô thị đương đại ngày hôm nay – “Nhà tập thể”. Mô hình “nhà tập thể” đã du nhập, xuất hiện như một biểu tượng của cuộc sống mới với tiện nghi khép kín, một điều khá “xa xỉ” lúc bấy giờ, khi mọi người đã quá sợ hãi cảnh phải sống chung trong những khu tập thể “bất đắc dĩ”, trong những ngôi “Nhà Tây” hay “nhà ống” phố cổ. Mô hình này đã hình thành và kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ nay với bao đổi thay về hình dạng và cấu trúc qua từng thời kỳ lịch sử và phát triển của đô thị. Lần theo “mặt tiền” các khu tập thể ngày nay với trùng trùng lớp lớp các dấu tích của sự “thích nghi” cũng như khả năng “sáng tạo” của dân mình, dự án này cố gắng ghi lại lịch sử, ghi lại “ký ức tập thể” của ngày hôm nay, cũng như gợi lại “ký ức tập thể” của ngày hôm qua, trước khi chúng rất có thể tan biến vào ngày mai.
Trần Hậu Yên Thế (THYT): Tôi và họa sĩ Nguyễn Thế Sơn tiếp tục hợp tác với nhau kể từ sau triển lãm “Nhà Tây biến hình”. Chúng tôi cùng là giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cũng từng du học tại Học viện Mỹ thuật TW Bắc Kinh và quan trọng hơn cả, chúng tôi đều quan tâm tới chủ đề sự biến đổi không gian sống. Thế Sơn hiện đang sống ở nhà tập thể khu Thanh Nhàn còn tôi đã gắn bó với nhà tập thể hơn 30 năm. Địa chỉ trong chứng minh thư nhân dân của tôi vẫn ghi nhà I9 tập thể ĐH Kinh Tế Quốc Dân. Triển lãm này ghi dấu một chặng đường lọ mọ 20 năm gắn bó với đề tài nhà tập thể của Thế. Năm 2011, họa sĩ Trần Hoàng Sơn có trưng bày bức vẽ chân dung tôi trong triển lãm “Gia phả ++”. Ở bức tranh này vẽ khuôn mặt tôi phía sau là một ngôi nhà tập thể.
Mặt cắt tập thể B2 Văn Chương
ĐHH: Bản thân tôi cũng đang sống tại khu tập thể Bách Khoa nhưng dường như tôi cũng chưa cảm nhận được hết những giá trị của các khu tập thể chật chội và kém sang trọng đó. Vậy cảm nhận của anh như thế nào?
THYT: Trước hết, dự án nghệ thuật của chúng tôi, như trong lời thuyết minh ý tưởng mong muốn được mọi người Trông thấy hình hái – Nhìn ngắm vẻ đẹp – Chiêm nghiệm về số phận của những ngôi nhà tập thể. Chúng tôi lựa chọn Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội để trưng bày các tác phẩm của mình vì trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận ra nguồn gốc sâu xa của nhà tập thể bắt nguồn từ mô hình nhà ở logement social hay Habitations à loyer modéré – Nhà ở công cộng của Pháp. Những ngôi nhà của những người thợ làm muối Hoàng gia tại Arc-et-Senans xây năm 1755 được coi là nhà ở công cộng đầu tiên trên thế giới. Và Jean-Baptiste André Godin (1817- 1888), là một nhà công nghiệp Pháp, nhà văn và nhà lý luận chính trị, xã hội đã hoàn thiện mô hình khu nhà ở cho công nhân, được ông gọi là Familistère tại Guise, trong vùng Aisne. Mô hình này nhanh chóng phát triển ở châu Âu. Năm 1930, nhóm kiến trúc sư Đức của Ernst May đã mang nó đến Liên Xô để sáng tạo nên các khu nhà tập thể –
Nhà tập thể chuyển ngữ sang tiếng Anh nên dịch là Communal apartments vì nó là một dấu ấn tư tưởng của nhà nước Xô Viết và các chuyên gia Triều Tiên đã mang nó đến Việt Nam.
Hà Nội có “giai phố”, “giai làng” còn tôi là “giai tập thể”. Bạn bè phổ thông của tôi cũng toàn sống ở nhà tập thể vì tôi học ở trường PTTH Kim Liên mà. Ngày nào đi học cũng lượn qua Phương Mai, Kim Liên, Trung Tự. Tuổi thơ tôi gắn liền với các khu tập thể, nhưng mãi tới gần đây, khi nhà tập thể đang chuẩn bị đặt dấu chấm hết thì tôi mới bắt đầu suy ngẫm về nó.
Cánh cửa sổ cũ nát của nhà tập thể được trưng bày trong triển lãm
Khu nhà ở Kim Liên xuất hiện trên mẫu tem bưu chính thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
ĐHH: Các anh có thể nói sâu hơn về các tác phẩm hay các ý tưởng của mình về đề tài nhà tập thể được không ạ?
NTS: Tiếp tục với thủ pháp “Nhiếp ảnh phù điêu” với dự án “Thay hình đổi mặt” lần này tôi cố gắng “bóc lớp” các dấu ấn của thời gian cũng như dấu ấn của con người đã tác động thế nào đối với các khu tập thể ở Hà nội. Dự án này với sự kết hợp thủ pháp “tranh nổi” dành cho người khiếm thị của hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế giống như một nỗ lực truy vấn hình hài và những câu chuyện bên lề của những khu tập thể được xây dựng rộng rãi suốt trong những năm từ 60 đến 90 của thế kỷ trước. Có thể nói đây là 1 dự án nghệ thuật thị giác dành cho cả người khiếm thị , một khái niệm có tính thử nghiệm sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho cả “người xem” lẫn “người sờ”.
THYT: Tranh về nhà tập thể của tôi 20 năm nay, nhìn chung là đen tối, kể từ bức Mời vào in trong vựng tập các tác phẩm của các giảng viên trường đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1996 cho tới bức Đêm 30 ở khu D thì tối mù. Bỗng dưng, đến loạt tác phẩm này lại rất sáng sủa, thậm chí là trắng toát. Nhưng sáng tác này là loại tranh dành cho người mù. Những chấm nổi ở các bức tranh chính là ký tự Braille, loại chữ nổi cho người khiếm thị.
Khu tập thể Nguyên Hồng, Bắc Thành Công
ĐHH: Quả thật là thông qua những ý tưởng của anh tôi cảm thấy yêu hơn cái nơi mà mình đang sống – đó là những khu nhà tập thể. Theo anh thì giá trị lớn nhất về mặt nghệ thuật có liên quan đến các khu nhà tập thể này là gì ạ?
THYT: Ngày nhỏ khi xem phim Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy, tôi rất ấn tượng với hình ảnh nghệ sĩ ghi ta Văn Vượng, một người nghệ sĩ mù. Và cũng từ nhỏ tôi rất thích giai điệu của bài hát Những ánh sao đêm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, hát về những ngôi nhà tổ ấm vui tình lứa đôi. Câu hỏi của tôi là làm sao có thể tái dựng lại hình ảnh về các khu tập thể xưa, không phải chỉ cho người sáng mà người mù có thể xem được. Tôi rất ngạc nhiên khi gần đây mới biết là nghệ sĩ Văn Vượng cũng đang sống ở nhà B9 khu tập thể Nghĩa Tân.
ĐHH: Tôi vẫn chưa thực sự hiểu được ý tưởng của anh và anh Sơn khi kết hợp hai góc nhìn hết sức khác biệt về nhà tập thể. Anh có thể giải thích thêm được không ạ?
THYT: Trong triển lãm “Thay hình đổi mặt” lần này, tác phẩm của Thế Sơn và tôi là hai thái cực trái ngược với nhau. Nếu như tác phẩm của Sơn quan tâm đến những dị dạng chuồng chim, chuồng cọp của nhà tập thể hiện nay thì tác phẩm của tôi lại kiếm tìm những hình bóng xưa của những ngôi nhà tập thể thuở ban đầu. Như trong thông báo về ý tưởng tác phẩm triển lãm, tôi có đặt ra vấn đề chúng ta đã thực sự Trông thấy – Nhìn thấy – và Chiêm nghiệm về nó, tôi và Thế Sơn muốn có một khoảng nhìn nửa thế kỷ để suy nghĩ về sự thất bại của một mô hình sống. Tác phẩm của tôi cũng có một ẩn ý, ở chừng mực nào đó, chúng ta cũng như những người khiếm thị vì đã không thấy được các ngôi nhà tập thể không chỉ trên phương diện kiến trúc mà còn trên phương diện ký ức văn hóa, biểu tượng.
ĐHH: Bây giờ thì tôi đã hiểu giá trị của triển lãm lần này mang đến cho công chúng một cái nhìn mang tính nhân văn. Vậy các anh có sử dụng cách tiếp cận nào trong khoa học xã hội và nhân văn khi tiến hành những tác phẩm trong triển lãm lần này?
THYT: Đúng là cách tiếp cận của chúng tôi mang tính Nhân học nghệ thuật, quan tâm đến chiều kích xã hội của không gian sống. Ngoài các tác phẩm, trong triển lãm chúng tôi còn treo hai cánh cửa của gia đình ông Đinh Bảo Sơn (B1, Văn Chương) và bà Nguyễn Thị Tụng (K16, Bách Khoa). Triển lãm này có trưng bày cả chiếc tem vẽ khu tập thể Kim Liên thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước trong sưu tập của TS. Phạm Long.
ĐHH: Thành phố của chúng ta đang đổi thay nhanh đến chóng mặt. Tôi sợ rằng các giá trị nhân văn của những khu tập thể mang đầy ký ức ở Hà Nội cũng sẽ bị cuốn theo cơn lốc đô thị hóa. Cá nhân anh có suy nghĩ gì về vấn đề này không?
Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế và họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đứng với một tác phẩm trong triển lãm
THYT: Gần đây tôi cũng được nghe qua các phương tiện truyền thông về kế hoạch đập bỏ các khu tập thể mới và xây dựng các khu chung cư mới. Chúng tôi rất vui mừng chờ đợi những dự án này vì cảnh sống của người dân mà tôi đã khảo sát đều rất khổ và không ít nhà bà con sống trong sợ hãi từng phút từng giờ. Ví dụ trong triển lãm lần này có hai ngôi nhà nghiêng là A2 Ngọc Khánh và D8 Thành Công. Lo lắng của chúng tôi là sau cải tạo, các khu này có còn là Kim Liên, Thành Công, Trung Tự, Nghĩa Tân, Ngọc Khánh… hay lại là những tên tây kiểu Time City, Royal City, Golden Place… Liệu di sản kiến trúc từng là biểu tượng kiêu hãnh của Thủ đô sẽ chỉ còn lại trong ký ức. Lẽ nào nó sẽ chỉ còn trong ký ức, chỉ còn thấy nó trong những chiếc tem và bài hát ?
Tôi nghĩ cách làm như với Hỏa Lò, Hà Nội là rất hay, chúng ta nên lưu giữ lại một vài ngôi nhà, biến nó như một bảo tàng chứng tích cho thời chiến tranh, bao cấp gian lao, cực nhọc và cả thời Đổi mới. Tôi vẫn còn nhớ như in tiếng lợn kêu ở khu WC của nhà hàng xóm. Bố mẹ tôi cũng nuôi gà, nuôi chim cút ở khu phụ. Tôi rất tâm đắc với ý tưởng của bạn Nguyễn Đình Thành với đề xuất cố giữ lại một vài ngôi nhà tập thể tiêu biểu để biến nó thành một bảo tàng sống. Ở Liên Xô, những khu nhà (Communal apartments) đã trở thành không gian phục vụ cho những trải nghiệm về thời Soviet. Cảm ơn anh. Các anh có muốn gửi tới tôi và các cư dân tập thể của thành phố chúng ta thông điệp gì không?
THYT: Tôi thích cách định danh về không gian của các khu nhà tập thể hiện nay của PGS.TS Phạm Hùng Cường là không gian dị biệt (heterotopias) được nêu nên trong tác phẩm “Of Other Spaces:Utopias and Heterotopias” (1964) của Michel Foucault. Sự tàn tạ của các khu nhà tập thể là hệ quả của lịch sử. Trách nhau, chê bai, dè bỉu, diễu cợt thì dễ nhưng thấu hiểu và chia sẻ nỗi cơ cực của bà con mới khó.
Thông điệp của chúng tôi với các cư dân ở các khu tập thể của triển lãm này là mọi người hãy nhớ lại quãng thời gian đã qua, trân trọng những điều tốt đẹp trong quá khứ và suy ngẫm cho những hoạch định hôm nay.
Đinh Hồng Hải