Xu thế ảnh sắp đặt trong trào l­ưu sáng tác nghệ thuật đương đại của Trung Quốc

Cùng với dòng chảy của lịch sử, cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế từ những năm 80, Trung Quốc đã mở toang cánh cửa văn hóa với thế giới. Nghệ thuật Trung Quốc như đón nhận được luồng gió mới và bừng tỉnh dậy, đánh dấu một  thời kỳ cái tôi, cái cá nhân được các nghệ sỹ ý thức 1 cách sâu sắc và tiếp thu nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, khi cuộc chuyển mình từ cái cũ sang cái mới được diễn ra cũng là lúc 1 loạt sự lột xác về nội dung lẫn hình thức thể hiện bắt đầu nảy nở. Rất nhiều khuynh hướng và các trào lưu mới xuất hiện do ảnh hưởng của nghệ thuật hiện đại phương Tây như “ready mades”, “performance”, “installation”, “concept art”, “land-art”… Trong bài viết này tôi chỉ muốn đề cập đến 1 khía cạnh nhỏ, đó là nghệ thuật sắp đặt ảnh- “photo installation”.

Tôi chọn vấn đề này vì bản thân tôi là một họa sỹ, xuất phát được đào tạo từ môi trường hội họa giá vẽ, song trước thực tế hàng loạt trào lưu nghệ thuật thực nghiệm sắp đặt ảnh, trình diễn, video art… đang hình thành và khẳng định tiếng nói của mình trong hoạt động nghệ thuật, tôi cũng tham gia làm một số cuộc triển lãm về sắp đặt ảnh và video. Và từ đó tôi thấy loại hình nghệ thuật này có sức giao tiếp với xã hội khá rộng rãi. Trong quá tình làm triển lãm, tôi thấy khi hai ngôn ngữ ảnh và sắp đặt hòa quyện với nhau thì nó vừa mang tính hiện thực, cụ thể vừa mang tính khái niệm khai quát cao, khiến người xem thấy tác phẩm vừa gần gũi vừa xa lạ, tạo ra được nhiều sự liên tưởng thú vị.

Trước khi đi vào các tác phẩm sắp đặt ảnh của Trung Quốc, tôi xin đưa ra một số tác phẩm tiêu biểu ở phương Tây đã diễn ra trước đó như một khái niệm về quá trình hình thành và phát triển của hình thức nghệ thuật này. Có thể nói sắp đặt ảnh đã được rất nhiều họa sỹ sử dụng. Ngôn ngữ này đã được thể hiện rất thành công trong một số tác phẩm như:

1 Triển lãm sắp đặt ảnh của Barbara Kruger năm 1991 tại Gallery Mary Boone ở New York, Mỹ: Trong tác phẩm này, đã phá toàn bộ tường, sàn và trần của nhà triển lãm với những bức ảnh lớn và một số câu có liên quan đến vấn đề dùng bạo lực đối với phụ nữ và người thiểu số, ở triển lãm này, người xem có thể bước lên trên tác phẩm, tham gia trực tiếp vào tác phẩm.

2 Năm 1990, tại Biennale Venice cũng có một tác phẩm sắp đặt ảnh rất ấn tượng của Genevieve Cadieux có tên là “Sự đứt quãng trong bản hợp xướng của cơ thể”. 22 tấm panel ảnh lớn chụp lại những góc cận cảnh những phần của cơ thể trong các tư thế rất gợi cảm. Những bức ảnh đó đã được lồng vào trong các ô cửa sổ của khu nhà lầu, tạo nên một cảm giác sốc.

3 Cũng thời gian đó, tại Gallery Vier, Đông Đức cũng diễn ra một triển lãm ảnh rất độc đáo của Alfredo Jaa với tác phẩm mang tên “Con đường như nó đã từng có”. Trong tác phẩm này, Jaa đã chụp 3 bức ảnh tòa nhà đối diện với ôt ô, xe cộ đi ngang qua từ cửa sổ của Gallery. Sau đó ông đặt làm những hộp đèn cho các bức ảnh đó vừa khít 3 khung cửa sổ đó. Một không gian vừa thực vừa hư được tái hiện hết sức ấn tượng.

Ngày nay, nhiếp ảnh đã đóng góp 1 vai trò to lớn trong một loạt phương thức thể hiện của người nghệ sỹ. Hướng đi của họ đã có suy nghĩ coi tác phẩm là những cấu trúc tự do, nói lên ý tưởng nhiều hơn là đề cập đến đồ vật. Có rất nhiều họa sỹ xuất phát điểm từ hội họa, sau đó công nghệ kỹ thuật số và ký thuật điện tử với các photo lab nhập khẩu vào Trung Quốc đã tạo điều kiện cho họ thể hiện ý tưởng của mình một cách dễ dàng hơn, mạnh mẽ hơn. Họ đã sử dụng ảnh như một công cụ hữu hiệu để biểu đạt khái niệm, kết hợp nó trong các tác phẩm sắp đặt, trình diễn. Phần đông  trong số họ có nguồn gốc được đào tạo từ họa sỹ, nhà điêu khắc ở các trường đại học mỹ thuật. Cũng không phải nhiều ngườ được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp về nhiếp ảnh, họ cũng không phải người nắm chắc các kỹ thuật nhiếp ảnh, họ chỉ học hoặc nghiên cứu những kỹ thuật mà họ cho là cần thiết để phục vụ cho ý tưởng thể hiện ý tưởng của mình. Chính vì vậy mà đa số các nghệ sỹ này không khẳng định mình là nhiếp ảnh gia. Họ chỉ thể nghiệm qua ống kính cái nhìn của họ, đôi khi còn thuê các chuyên gia để thực hiện những phần kỹ thuật cho họ. Khi làm triển lãm, họ chú trọng đến ý nghĩa tổng thể hơn là kỹ thuật của từng bức ảnh, họ tìm cách sắp xếp sao cho diễn đạt được ý tưởng của mình, họ chú ý đến cách giới thiệu và trình bày tác phẩm đê có thể thay đổi cách nhìn và đem lại hiệu quả thị giác cho người xem.Chính từ nhu cầu này đã buộc người nghệ sỹ phải kết hợp nhiếp ảnh với các hình thức thể hiện khác.

Có một điều thường thấy ở nghệ thuật của Trung Quốc đó là trong hội họa giá vẽ các họa sỹ cũng rất thích sử dụng ảnh trong việc sáng tác tranh, nên nhìn tranh của họ ta có thể thấy những nét mang góc nhìn của ảnh. Chính vì vậy, khi hàng loạt các khuynh hướng với của nghệ thuật thực nghiệm du nhập vào Trung Quốc thì cũng không lấy làm lạ khi ảnh trở thành một công cụ được sử dụng nhiều và được khai thác ở nhiều trạng thía khác nhau làm cho nó mang một tính khái niệm mới. Đầu tiên, họ chỉ dùng máy ảnh như một thiết bị để ghi lại những hoạt động hoặc tác phẩm của họ, sau dần chính nó đã trở thành một công việc trong nghệ thuật thực nghiệm.

Phải nói rằng khi nghệ thuật khái niệm vào được Trung Quốc, gặp được nền văn hóa lớn mang chất thâm thúy, sâu sắc thì dường như nó đã có đất dụng võ. Các nghệ sỹ đương đại Trung Quốc đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm sắp đặt ảnh, ảnh dàn dựng mang đậm tính khái niệm.

Trong quá trình tìm hiểu nghệ thuật ảnh sắp đặt của Trung Quốc, tôi tạm chia các hoạt động sáng tác này thành 2 dạng: Dạng thứ nhất là ảnh dàn dựng, dạng thứ hai là sắp đặt dùng ảnh.

  1. Ở dạng ảnh dàn dựng, tác giả có thể sắp xếp, dàn dựng tác phẩm của mình theo một ý tưởng, sau đó dùng máy ảnh chụp lại. Sự dàn dựng sắp đặt đó có thể tùy theo nhiều mức độ. Đơn giản nhất là có thể dùng nguyên không gian, đồ vật sẵn có rồi đưa thêm yếu tố cá nhân của mình vào để thể hiện ý tưởng, khái niệm, bước tiếp theo là chụp lại bối cảnh đó. Ở mức độ này có 2 tác giả tiêu biểu là Zhang Da Li và Zhang Nian. Mức độ tiếp theo là tác giả đưa thêm nhân vật của của mình vào một môi trường không gian nào đó rồi dàn dựng, bố trí thêm và chụp. Tiêu biểu cho loại này là Miao Xiao Chun. Cao hơn nữa là dàn dựng một không gian mới, có thể ở trong studio với những bối cảnh, và nhân vật được sắp xếp hoàn toàn theo chủ quan của tác giả, sau đó sẽ chụp lại, có thể còn xử lý thêm cả kỹ thuật số để thay đổi hiệu quả nhằm nhấn mạnh ý tưởng. Tác giả tiêu biểu cho mức độ này là Wang Qing Song.
  2. Ở dạng sắp đặt dùng ảnh, tác giả thường chụp một seri ảnh với những trạng thía khác nhau về một đối tượng hoặc một chủ đề nào đó theo góc nhìn chủ quan của mình. Sau đó kết hợp với những chất liệu khác hoặc hình thức biểu đạt khác nếu cần thiết, sắp xếp trình bày chúng lại theo ý của mình để tác động đến người xem một cách hiệu quả nhất. Hai tác giả tiêu biểu ở dạng này là Wang Jin Song và Hu Jie Ming.

Sự phân loại như trên của tôi chỉ mang tính tương đối dựa trên hình thức thể hiện tác phẩm của các tác giả, đôi khi ranh giới giữa các hình thức đó cũng không dễ tách biệt, hình thức này nhiều khi lại lồng trong hình thức khác để tạo nên tính độc đáo cho tác phẩm.

Dưới đây là những minh họa cụ thể cho 2 dạng ảnh sắp đặt nói trên:

Zhang Da Li

Trong seri ảnh của Zhang Da Li thì vấn đề xuyên suốt là vấn đề đô thị hóa ở Bắc Kinh. Quá trình phát triển cơ sở hạ tầng này đã dẫn đến tình trạng dỡ bỏ một loạt các khu phố cổ, ngõ cổ ở Bắc Kinh, nhường chỗ cho các khu chung cư, tòa nhà chọc trời mọc lên như nấm nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho một lượng lớn người ngoại tỉnh đổ về thành phố làm việc, sinh sống. Tác giả đã phản ánh suy nghĩ của mình về quá trình đô thị hóa đó bằng loạt ảnh khái niệm này: Trên những bức tường đang chờ phá dỡ luôn xuất hiện hình ảnh cái đầu của tác giả như bị đập vỡ ra. Hình ảnh đó như thể hiện 1 cái tôi cũng đang tranh đấu nội tại, 1 cai tôi với thái độ bức xúc trước những giá trị văn hóa đang bị mất dần đi.

Phá dỡ

Zhang Nian

Cùng với dòng suy nghĩ về đề tài đô thị hóa, Zhang Nian cũng có 1 seri ảnh chụp về môi trường sống xung quanh các tòa nhà bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong những bức ảnh này, tác giả đã đưa thêm hình ảnh 1 khuôn mặt như gào thét, như 1 nhân chứng cho sự ô nhiễm của thành phố. Ngoài ra, tác giả còn coi mình là 1 phần trong không gian đó, chúng kiến và chấp nhận chung sống với thực trạng này.

Tác phẩm thành phố

Miao Xiao Chun

Miao Xiao Chun là một họa sỹ, sau một quá trình nghiên cứu và học tập ở Đức, ông đã chọn nhiếp ảnh để thể hiện những ý tưởng nghệ thuật của mình. Ông đã có 1 seri ảnh dàn dựng chụp 1 bức tượng đạo sỹ Trung Quốc đặt trong không gian của thế giới phương Tây. Lúc thì ở nhà ga, khi thì trong bốt điện thoại, lúc lại trên máy bay, khi lại ngồi ăn cơm với 1 gia đình người Đức… Qua những bức ảnh này, tác giả muốn đưa ra 1 khái niệm về sự hòa hợp giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, một thế giới công nghiệp hiện đại với nền văn hóa giá trị thiên nhân hợp nhất của Trung Hoa. Đó là vấn đề toàn cầu hóa và bản sắc dân tộc.

Trong tác phẩm này, bức tượng là thế nhân của người nghệ sỹ, nó được hóa thân nhiều lần, nó là 1 sự tồn tại khác mang nhiều ý nghĩa. Thủ pháp nhiếp ảnh ở đây là ghi chép khách quan nhưng bức tượng đã cho người xem 1 sự chân thực, mỗi cảnh đều mang đậm màu sắc thi vị hóa. Thi vị hóa chân thực là 1 thủ pháp được ưa chuộng của chủ nghĩa nghệ thuật lãng mạn. Nó phá cách tư tưởng logic, điều này gần giống với Thiền của Trung quốc. Miao Xiao Chun đã sử dụng yếu tố siêu hiện thực trong các tác phẩm nhiếp ảnh và những thủ pháp biểu hiện của kịch trường để dẫn chúng ta khám phá ý nghĩa của tác phẩm.

Thế giới công nghiệp

Bốt điện thoại

 

 

 

 

 

Wang Qing Song

Wang Qing Song là đại diện cho mức độ cao nhât của khái niệm ảnh dàn dựng. Cách thức của tác giả là tiếp cận vấn đề một cách trực diện, thay đổi sắc thái của đối tượng và dựng lại chúng theo bối cảnh cũ. Trong quá trình tạo hình cho một số bức ảnh, tác giả còn xử lý bằng kỹ thuật số để đạt được ý tưởng của mình. Thủ pháp cơ bản của tác giả là dùng điển tích xưa để nói lên những vấn đề của xã hội ngày nay.

Sự thay đổi của xã hội Trung Quốc, sự mở cửa của nền kinh tế thị trường đã kéo theo một loạt lối sống mới, thói quen mới, làm thay đổi nhiều quan niệm cũ. Đâu đâu cũng dấy lên phong trào nông thôn đuổi kịp thành phố, thành phố tiến kịp thủ đô, thủ đô bắt kịp phương Tây. Văn hóa truyền thống bị lấn át bởi những giá trị vật chất, con người thì chạy theo lối sống hưởng thụ, còn các tệ nạn xã hội thì vấn tiếp tục nảy sinh.

Quá khứ- Hiện tại- Tương lai

Wang Jin Song

Tác phẩm sắp đặt ảnh “Gia đình tiêu chuẩn” được sáng tác dựa trên bối cảnh văn hóa thực tế ở Trung Quốc đương đại. Tác phẩm là tập hợp nhiều bức ảnh chụp các gia đình Trung Quốc trên nền màu đỏ rất đặc trưng, họ có thể khác nhau về hoàn cảnh, tuổi tác, nghề nghiệp song tấm ảnh nào cũng chỉ có 3 người, hai vợ chồng và một đứa con. Thủ pháp của tác giả là dùng nhiếp ảnh trực quan, thể hiện bằng hình thức đại chúng hóa, đưa người xem nhìn nhận được các mặt của đời sống trong mỗi gia đình thông qua các yếu tố như trang phục, sự di truyền.

Gia đình tiêu chuẩn

Trong tác phẩm “Song thân”, tác giả đã tập trung những bức ảnh chụp các cặp vợ chồng già với những thân phận khác nhau, tầng lớp khác nhau, không gian khác nhau… thể hiện 1 thực trạng xã hội của Trung Quốc, thế hệ người già ngày nay cần được đối xử như thế nào.

Song thân

 

 

 

 

 

 

 

 

Hu Jie Ming

Trong tác phẩm sắp đặt ảnh có tên là “Thượng Hải”, tác giả đã chụp lại từ ti vi dưới dạng ảnh đen trắng xuyên sáng, sau đó đem gắn chúng lên những bức tường kính trong suốt của phòng triển lãm tạo cho người xem 1 cảm giác về sự ngột ngạt của một thế giới đầy rẫy thông tin.

Th­ượng Hải

Qua một số ví dụ nêu trên, có thể thấy con đường sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sỹ đương đại Trung Quốc đang mở ra rất nhiều hướng. Trong số đó sắp đặt ảnh là một hình thức khá được ưa chuộng, bởi nó có được nhiều ưu điểm trong việc nâng cao tính giao tiếp rộng rãi với xã hội, đem lại cảm giác gần gũi với người xem, đây là một điều cần thiết trong sáng tác nghệ thuật mới. Ảnh chụp luốn mang tính thời sự, chính vì vậy ảnh sắp đặt càng phù hợp với sự thay đổi từng ngày của xã hội. Ngoài ra, sắp đặt ảnh còn thể hiện được cá tính, phong cách của người nghệ sỹ khá rõ ràng, tạo nên sự tự do và đa dạng trong hoạt động sáng tạo. Song có một đặc điểm trong dòng nghệ thuật thực nghiệm này là cái tôi của người nghệ sỹ, cái ý tưởng mà họ đưa ra luôn được đặt lên hàng đầu, kỹ thuật đối với họ chỉ là thứ yếu.

Xét một cách tổng thể, khuynh hướng nghệ thuật này vẫn đang phát triển, tiếp tục phản ánh đời sống xã hội, tồn tại cùng với sự phát triển của xã hội. Hơn nữa, nó còn tác động trở lại xã hội nhằm thực hiện chức năng của nghệ thuật đó là làm cho xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Comments are closed.