Dan tri

VIDEO HERE

(Dân trí) – Trước những biến thiên lịch sử, hàng chục ngôi đình thờ tổ nghề của 36 phố phường xưa nay đã thành nhà nghỉ, khách sạn…

Nhìn những hình ảnh này, thật khó ai có thể tưởng tượng ra, nơi đang là khách sạn cao hàng chục tầng này xưa kia chính là Đình Kiếm Hồ toạ lạc tại số 7 Hàng Vôi nơi thờ ông tổ nghề vôi và thờ vọng Lê Lợi. Còn đây là ngôi Đình Hoa Thị, nằm trên con phố Hàng Đào, ngày ngày vẫn tấp nập người qua kẻ lại, nhưng ít ai biết được bên trong những gian hàng kia, trước đây chính là nơi thờ cúng ông tổ nghề nhuộm. Dấu tích duy nhất còn sót lại là dòng Hán tự.

Cùng chung cảnh ngộ như hai ngôi đình trên, ngôi đình Tử Dương ở số 8 Hàng Buồm nay biến thành một quán bar. Còn Đình Hàng Quạt tại số 4 Hàng Quạt, trước đây thờ ông tổ nghề Quạt. Do biến thiên của lịch sử, phần hậu cung của đình nay đã biến thành nơi kinh doanh nhà nghỉ.

Đó chỉ là một vài ngôi đình trong số hàng chục ngôi đình thờ tổ nghề của 36 phố phường xưa, giờ đang lay lắt tồn tại hoặc đã chìm vào dĩ vàng.

Trong khoảng thời gian này tại trường đại học Mỹ Thuật Việt Nam đang diễn ra triển lãm nghệ thuật với nội dung “Đối thoại với đình làng”. Trong đó tác phẩm “Tôi đi tìm ngôi nhà chung” của tác giả Nguyễn Thế Sơn đã phản ảnh hiện thực số phận những ngôi đình làng thờ ông tổ nghề của 36 phố phường Hà Nội.

Là một người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã dành 1 năm trời để tìm về nét vàng son quá khứ của những ngôi đình trong phố cổ Hà Nội. Nhưng suốt một năm ấy, anh phải chứng kiến một thực tế hàng chục ngôi đình đã bị lấn chiếm hoặc biến mất hoàn toàn khỏi Thủ đô.

Với hơn 70 bức ảnh được tác giả Thế Sơn ghi lại, chỉ còn 1/3 bức ảnh đình làng còn giữ lại được hồn cốt thờ cúng, ngoài ra những ngôi đình đều đã bị biến tướng một cách trầm trọng.

Những tác phẩm trong bộ ảnh “Tôi tìm ngôi nhà chung” như là một sự cố gắng của anh để đối thoại với một lớp lịch sử bị đứt gãy.

Phố cổ Hà Nội được bao quanh bởi những di tích và người dân sống nơi đây là một phần linh hồn của Hà Nội. Nhưng khi Hà Nội trở nên đông đúc, quá tải thì nhu cầu bảo tồn, gìn giữ, quy hoạch lại không gian khu phố cổ càng trở nên bức thiết.

Một nỗ lực và cũng là tín hiệu vui với những ai quan tâm tới bảo tồn phố cổ là dự án tu bổ, tôn tạo đền quan đế thành trung tâm thông tin phố cổ, di dời 5 hộ dân sinh sống bên trong khuôn viên đền, phục dựng nguyên trạng những cấu trúc điêu khắc có giá trị, trung tâm thông tin phố cố trở thành điểm văn hóa mới cho người dân, giúp người dân phần nào quan tâm hơn tới việc gìn giữ di sản ông cha để lại.

Nhóm phóng viên

Comments are closed.