Bộ mặt đô thị Sài Gòn – Hà Nội (BBC)
Phạm Tường Vân
Khoảng 45 tác phẩm Nhà Mặt Phố được chụp, tái tạo 3D công phu trên các chất liệu tổng hợp như nhựa, nhôm, kính… tạo nên hình ảnh sống động như một khu phố thật, sừng sững trong khán phòng triển lãm, như những chiếc mặt nạ lớn.
Biển hàng đè nặng lên sinh hoạt nhỏ nhoi của dân ở dưới
Những lát cắt độc đáo, cô đọng về đô thị Hà Nội – Sài Gòn là kết quả của 2 năm khảo sát và thực hiện công phu của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn.
Ở đây, về phương diện nghệ thuật, trên nền tảng của chủ nghĩa giải cấu trúc, Nguyễn Thế Sơn đưa ra một khái niệm hoàn toàn mới: nhiếp ảnh phù điêu, phá bỏ ranh giới giữa một bức ảnh chụp và sự khô cứng của những bức phù điêu bằng gỗ, đá, làm nên những bức phù điêu rất thật của cuộc sống.
Các tấm ảnh nhà mặt phố sau khi được chụp thẳng đứng bằng phương pháp chụp ảnh kiến trúc đã được phân mảnh thành các chi tiết nhỏ bằng công nghệ cắt lazer.
Sau đó chính những người thợ chuyên làm biển quảng cáo chuyên nghiệp đã được mời về tham gia dự án trực tiếp thi công lắp ghép tái cấu trúc lại các chi tiết đó thành những bức ảnh nổi (phù điêu ảnh) bằng kỹ thuật làm “chữ hộp” của biển quảng cáo.
Sau đó những nhân vật được “đông cứng” riêng lẻ trên đường phố sẽ được gắn vào sau cùng tạo nên bức tranh “văn hoá giao thông” kết hợp hài hoà với “văn hoá mặt tiền” của các tấm biển quảng cáo.
Bộ mặt của tha hóa?
Về phương diện xã hội, thì đây là lần đầu tiên, sau hai năm khảo cứu công phu, một nghệ sĩ trẻ dám đối mặt với những vấn đề đương đại của đô thị Việt Nam, phơi bày hiện tượng tha hóa của văn hóa, sự tan rã của các hệ giá trị dưới áp lực kinh tế, tạo nên một cuộc đối thoại mở, với vai trò song lập của một nghệ sĩ – nhà hoạt động xã hội.
Trong khuôn khổ của một dự án nghệ thuật thử nghiệm đa phương tiện, Nguyễn Thế Sơn đã tiến hành một cuộc khảo cứu sự biến đổi về công năng của nhà phố ở các đô thị lớn của Việt Nam, đồng thời là sự chuyển đổi những giá trị hữu hình trong đời sống xã hội Việt Nam đương đại.
“Hà Nội thời bao cấp, những năm 80 của thế kỷ trước, có ở nhà phố thì cũng không được phép mở cửa hàng kinh doanh, cặp giá trị thời thượng tiêu biểu cho thời đó là: chồng làm lái xe, vợ làm ở cửa hàng thực phẩm, vì đơn giản là được nắm quyền kiểm soát nhu cầu tối thiểu của con người đó là ăn uống và đi lại,”
“Từ khi mở cửa, nền kinh tế tư nhân được chính thức công nhận, xã hội bắt đầu hình thành cặp giá trị mới ‘Nhà mặt phố, bố làm to’ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, ” Nguyễn Thế Sơn hóm hỉnh.
Sau những con phố buồn thiu xiêu vẹo của Bùi Xuân Phái của thế kỷ trước là một Phố của Nguyễn Thế Sơn thế kỷ 21: lòe loẹt, hớn hở, trăm hoa đua nở như những chiếc mặt nạ trong vũ hội hóa trang.
Đằng sau bề mặt hào nhoáng ấy là gì, phải chăng ẩn giấu bên trong là một sự cuống quít, nghẹt thở, hấp hối như đang chờ cuộc đại phẫu sau một lộ trình tha hóa?