Một Hà Nội giàu chất thơ trong hiện thực bề bộn-Lao động

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/mot-ha-noi-giau-chat-tho-trong-hien-thuc-be-bon-1184575.ldo?fbclid=IwAR3kZzWvIjrUgGUMT6HTGjsCzA1YOtMF-xt6wacuYdyLYYz1z1Cq2OF0hlU

Một trong những điểm nhấn nổi bật của Photo Hanoi’23 – Biennale nhiếp ảnh quốc tế do Viện Pháp tại Việt Nam khởi xướng dưới sự bảo trợ của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chính là các triển lãm. “Hà Nội một thành phố trong nhiếp ảnh” là một sự khởi đầu ấn tượng với những góc ảnh đa dạng, biểu đạt ngôn ngữ của nhiếp ảnh truyền thống và đương đại.

Một Hà Nội giàu chất thơ trong hiện thực bề bộn
Một tác phẩm thú vị của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo trong triển lãm.

Một không gian nhiếp ảnh cởi mở

Triển lãm đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hà Nội), kéo dài đến ngày 3.6.2023 là sự tái khẳng định tài năng của những tay máy nổi tiếng và cũng đưa ra ánh sáng một số tác giả mới nổi.

Ấn tượng mạnh nhất chính là tác phẩm đen trắng phóng khổ lớn cỡ 190x220cm trên giấy mĩ thuật (art paper) của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Peter Steinhauer ngay góc trái phòng khi khách vào xem triển lãm. Một chân dung dạng chụp cổ điển đã bắt được thần thái của người nhạc sĩ tài năng đất Việt với một cách tiếp cận và đối thoại rất trầm tĩnh của tác giả chụp – một tay máy đã có nhiều năm lăn lộn, sống ở châu Á và đặc biệt ở Việt Nam, đã xuất bản nhiều cuốn sách ảnh, đáng chú ý như “Enduring Spirit of Vietnam” (tạm dịch: Tinh thần Việt Nam trường tồn) và “Vietnam Portraits and Landscapes” (tạm dịch Việt Nam Chân dung và Phong cảnh”).

“Những ký ức còn lại” của cố nhiếp ảnh Nguyễn Duy Kiên lại làm người xem bùi ngùi nhớ về một Hà Nội hào hoa và hào hùng của ngày xưa với những tác phẩm đen trắng giàu biểu cảm và tính ẩn dụ. Ảnh của ông lúc mang bố cục chắc nịch của hội họa, lúc lại rất phiêu như những cảm xúc thăng hoa bất chợt và đôi lúc lại giàu chất cinema với cách tạo dựng khuôn hình.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo vốn là “công tử Hàng Đào” chụp ảnh như một thú chơi, không cố tình, không gượng ép ý mà ảnh tự nhiên như muốn cất lời khi ẩn giấu đằng sau những khuôn hình là nhiều trăn trở để Thủ đô mãi là “Hà Nội dấu yêu”.

Ống kính ông hướng về đời sống thường nhật của những người lao động, trí thức… những kiến trúc nhà cổ và cây cầu Long Biên huyền thoại.

Tác giả Lê Thịnh lại thể hiện cái bộn bề của hiện thực Hà Nội trong những khuôn hình panorama màu sắc và ngồn ngộn chi tiết.  Bert Danckaert chọn ra những mảng màu hội họa trong kiến trúc nhà Hà Nội. Và một số tác giả nước ngoài khác chọn hai thời điểm 6h sáng và 6h tối để chụp ảnh tại một khu phố hay chụp cầu Long Biên… Một Hà Nội được soi chiếu, khám phá ở nhiều giai đoạn khác nhau từ Hà Nội trước năm 1954, Hà Nội thời “bao cấp”, Hà Nội thời “Mở cửa”, Hà Nội thời hội nhập toàn cầu…

Nhiếp ảnh với tất cả sự phong phú trong biểu đạt

Giám tuyển triển lãm là họa sĩ Nguyễn Thế Sơn từng học nhiếp ảnh tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và anh cũng có ảnh tham dự triển lãm.

Trong số 16 tác giả, có nhiếp ảnh gia Pháp đã từng triển lãm tại Việt Nam như Sébastien Laval, nữ nghệ sĩ người Đức – một trong những người tiên phong đưa nghệ thuật đương đại (contemporary) với các hình thức trình diễn, sắp đặt… vào Việt Nam là Veronika Radulovic, và dĩ nhiên không thể không nhắc đến Maika Elan, nữ nhiếp ảnh gia Việt từng đoạt giải nhất cuộc thi ảnh báo chí thế giới danh giá…

Ông Thierry Vergon – Giám đốc Viện Pháp Việt Nam tại Hà Nội, nói về triển lãm: Tôi nghĩ nó rất thú vị vì đây là một cuộc triển lãm nghệ thuật nhưng cũng là một cái gì đó về lịch sử và xã hội học của Hà Nội với tư cách là một thành phố văn hóa nhưng cũng là một thủ đô lớn ở châu Á. Đây sẽ là một khoảnh khắc đáng mong đợi trong chương trình của Photo Hanoi

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Hà Nội là một chủ đề, một đối tượng được yêu thích trong nghệ mĩ thuật/nghệ thuật nói chung và trong nhiếp ảnh nói riêng. Hà Nội không những là một chủ đề hay một đối tượng nghệ thuật trong các sáng tác của rất nhiều nghệ sĩ địa phương mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cả những nghệ sĩ nước ngoài, từ những người gắn bó như một “quê hương” thứ hai cho tới những nghệ sĩ chỉ mới tới, mới chợt yêu mến Hà Nội…

Có lẽ Hà Nội có một đời sống tinh thần quá phong phú và hấp dẫn, chứa đựng đầy đủ cả những xung đột lẫn những sự dung hòa hiếm có, khiến những những người trót gắn bó với thành phố này luôn tìm thấy phần của mình trong đó.

Hà Nội luôn có một đời sống đô thị phong phú và hấp dẫn trong con mắt của người nghệ sĩ.

“Chụp gì có thể cũng chính là phơi sáng nội giới của mình”, với quan niệm này, có lẽ Hà Nội chỉ là cái cớ để trình hiện cái nhìn nội tâm của các tác giả trong triển lãm này”.

Comments are closed.