Nguyễn Thế Sơn và câu chuyện về Hà Nội biến hình-Lao động (LĐ) – Số 236 – Thứ bảy 12/10/2013

Đúng ngày của Hà Nội 10.10.2013, một ngày rất thu, họa sĩ, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn (SN 1978) cùng nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (SN 1970) khai mạc triển lãm “Nhà Tây biến hình” tại không gian nghệ thuật Manzi, Hà Nội. Qua mô hình 3D, những ngôi biệt thự Pháp cổ còn lại là một lát cắt về sự chuyển màu và biến hình của Hà Nội.

Trước giờ triển lãm chỉ vài tiếng, Nguyễn Thế Sơn vẫn còn túi bụi với việc treo tranh, phòng triển lãm vẫn ngổn ngang búa, kìm, ốc vít. Lẽ ra triển lãm đã hoàn thành trước đó 1- 2 ngày, nhưng sát giờ mới thấy những khung mica trong suốt chụp lên tác phẩm bị thợ làm sai kích cỡ, và Sơn phải tự tay sửa từng cái một. Câu chuyện, vì thế, vội, nhưng Sơn là một người chuyện trò rất hay.

Thời tiết đẹp, không gian trưng bày đẹp, câu chuyện thú vị, chỉ còn là chuyện người xem có thích hay không thôi?

– Triển lãm của tôi diễn ra trong chính không gian một khu biệt thự, vừa thêm ý nghĩa cho triển lãm, cũng là không gian tôi thích. Biệt thự này xây những năm 1930, từng thuộc về gia đình nhà tư sản Bạch Thái Bưởi, trải qua những thăng trầm, bị bỏ quên, giờ lại được tôn vinh thành một không gian nghệ thuật. Đó là một ngữ cảnh đặc biệt, không ở đâu hợp hơn cho triển lãm như tại biệt thự này.

Tính ngữ cảnh cũng là một khía cạnh của nghệ thuật đương đại: Môi trường, ngữ cảnh ăn với không gian triển lãm, với tác phẩm. Trước đây làm triển lãm “Nhà mặt phố” về những tấm biển quảng cáo che kín các ngôi nhà, tôi chọn Viện Goethe trên phố Nguyễn Thái Học – chính là con phố chuyên làm biển quảng cáo, ngụ ý một sự trở về của những tấm biển đó, nhưng bằng con đường nghệ thuật.

Liên tiếp trong vài tháng qua, anh làm các triển lãm “Nhà mặt phố”, “Đối thoại với đình làng”, giờ đến “Nhà yây biến hình”… Là quá nhiều hay quá ít cho một Hà Nội đang thay đổi?

– Triển lãm này của tôi là câu chuyện đô thị được tiếp tục mở rộng ở những lớp cắt sâu hơn về những ngôi nhà có lớp tích lịch sử. Biệt thự Pháp từng có thời hoàng kim, bản thân nó là một di sản, một tác phẩm nghệ thuật đã được khẳng định tới 100 năm, qua đó thấy di sản đã biến đổi như thế nào cùng với lịch sử.

Tôi dành một năm khảo sát các biệt thự, phỏng vấn chủ nhà. Qua câu chuyện của họ cùng những vết tích còn lại sẽ thấy được dấu ấn của cả 100 năm. Trên nhiều biệt thự vẫn còn đắp nổi tên ngôi nhà, tên gia chủ, tên con trai họ… vừa tự hào, vừa thể hiện văn hóa gia đình. Rồi đến ký hiệu của thời bao cấp, căn biệt thự bị chia nhỏ cho nhiều gia đình ở, có biệt thự tới 25 hộ, cá biệt có nơi 50 hộ chen chúc, cơi nới mái tôn, lồng sắt… Từ năm 1986 mở cửa, biệt thự thành cửa hàng, và những dấu ấn rất thời gian lẫn lộn với nhau: Ở dưới ghi là Phở Thìn, trên lại là HTX Mùa thu…

Đó cũng là câu chuyện của gia đình tôi. Thời ông nội tôi, một chủ hiệu xà phòng, đã từng có 4 nhà phố cổ ở Hàng Giấy, Hàng Gai, phố Huế, nhưng hiện không còn cái nào.

Bao nhiêu câu chuyện biệt thự được anh đưa vào triển lãm?

– Tôi chụp 100 căn biệt thự, nhưng thể hiện cho triển lãm là khoảng 20 căn tiêu biểu. Tôi cùng nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cùng đi hỏi chuyện chủ nhân để xây dựng hồ sơ của những ngôi nhà đó, với mong muốn phục dựng nguyên trạng của nhà.

Theo khảo sát của chúng tôi, thì 15 căn vẫn còn chủ, cho dù họ chỉ còn ở một căn hộ trong biệt thự đó. Dựa vào ký ức của chủ nhân cùng những gì còn lại đến bây giờ, chúng tôi muốn phục dựng lại mặt tiền của biệt thự nếu không bị biến hình thì sẽ ra sao. Từ đó anh Thế vẽ lại mặt tiền của nhà trên giấy dó.

Đây là cách chúng tôi kết hợp nghệ thuật thị giác với một nghiên cứu xã hội, có thể nói là lần đầu tiên ở Việt Nam. Đây lại là một xu hướng khác của nghệ thuật đương đại, cho thấy nghệ thuật đương đại là dựa trên thực tế, không viển vông. Tôi và anh Thế cùng học nghệ thuật ở Bắc Kinh, được tiếp cận những phương pháp, xu hướng nghệ thuật tiên tiến của thế giới nên chúng tôi rất hiểu nhau.

Cách làm này tạo ra một dự án nghệ thuật có bề sâu lịch sử, xã hội, cũng gần như cách mà Bảo tàng Dân tộc học đã làm. Chỉ khác là chúng tôi sử dụng một ngôn ngữ mới cho nghệ thuật mà tôi nghĩ ra, đó là ngôn ngữ của nhiếp ảnh kết hợp với yếu tố 3D của điêu khắc, rồi sử dụng công nghệ cắt laser làm biển quảng cáo để tạo ra những mô hình nhiều lớp, giống như xem phim 3D nhưng chỉ là không đeo kính thôi, để thể hiện các lớp của những ngôi biệt thự theo thời gian.

Chủ nhân các biệt thự có sẵn sàng chia sẻ với các anh?

– Mỗi ngôi nhà không đơn giản là hình ảnh của nó, mà là câu chuyện phía sau ta không nhìn thấy. Tiếp cận với chủ nhân biệt thự có người dễ, có người khó. Có người họ không muốn động vào nỗi đau của họ khi bị mất ngôi nhà mà họ đã làm ăn chân chính để có. Câu chuyện của ngôi biệt thự cũng là câu chuyện của gia đình họ, về việc lịch sử đã chạm vào số phận của họ như thế nào.

Ngôi nhà nào, chủ nhân nào là câu chuyện khiến anh phải suy nghĩ nhiều nhất?

– Rất khó chọn đấy. Mỗi nhà có câu chuyện hay riêng của họ, lại có nhà đẹp về thị giác. Nhưng có lẽ tôi chọn ngôi nhà số 8 Cửa Nam, vốn là cửa hàng vàng bạc Thành Mỹ của bà Nguyễn Thị Bông. Thành và Mỹ là tên hai người con trai của bà. Ngôi nhà vẫn còn nguyên dấu ấn 100 năm, được xây dựng rất tốt, bản vẽ do người Pháp thiết kế và vẫn còn đang được giữ trong két sắt ngân hàng, tất cả vật liệu đều mang từ Pháp sang, vữa xây trộn mật.

Hiện giờ con trai bà vẫn sống ở đó, họ nói nếu muốn sửa nhà thì 3 ngày không đục xong. Căn nhà được xây từ năm 1920. Nếu bà Bông còn sống thì giờ cũng đã 120 tuổi. Là phụ nữ, nhưng bà một tay buôn bán, xây dựng ngôi nhà này. Điều thú vị là bà Bông học nghề làm vàng bạc ở trường Mỹ thuật Đông Dương ngày xưa, mà nay là trường Đại học Mỹ thuật – nơi tôi đang công tác.

Với hàng loạt triển lãm về Hà Nội như vậy, anh có định đưa ra một lời cảnh báo về sự xuống cấp không chỉ của những ngôi nhà, mà của một đời sống tinh thần Hà Nội?

– Điều đó hoàn toàn là do cách đọc hiểu của từng người mà thôi. Người xem sẽ hoàn thiện triển lãm của tôi bằng những kiến giải riêng của mình. Với tôi, nghệ sĩ chỉ đóng vai trò là người quan sát, có một độ lùi nhất định, chỉ đưa ra hiện trạng chứ không đưa ra phán xét, chỉ đưa ra một thái độ nghệ thuật chứ không đưa ra thái độ xã hội.

Anh nói riêng triển lãm này tiêu hết của anh 100 triệu đồng, không có tài trợ. Điều gì khiến anh bỏ tiền túi để làm những câu chuyện Hà Nội thế này? Vì tình yêu Hà Nội, vì câu chuyện gia đình, vì thích?

– Làm nghệ thuật thì phải thế thôi. Trên thế giới người ta cũng làm như vậy mà. Tuy nhiên, tôi cũng kiếm được tiền từ nguồn khác. Triển lãm “Nhà mặt phố” của tôi cũng bán được nhiều tác phẩm cho các nhà sưu tập.

Anh muốn nói nhà sưu tập Việt Nam hay nước ngoài?

– Là các nhà sưu tập Việt Nam.

Thường thì ít khi nghe thấy chuyện nhà sưu tập Việt Nam bỏ tiền mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Mọi người vốn quen với các tác phẩm nghệ thuật truyền thống hơn?

– Chính là sự xáo trộn trong lịch sử đã làm dứt gãy mạch văn hóa. Ở Việt Nam, nghệ thuật đương đại luôn bị đặt câu hỏi: Đấy mà là nghệ thuật ư? Nghệ thuật Việt Nam đã bị lạc hậu so với thế giới tới 50 – 60 năm, nghệ thuật hiện đại chúng ta còn chưa hiểu hết nữa là nghệ thuật đương đại, và cũng vì vậy mà mặt bằng thưởng thức nghệ thuật của người Việt vẫn còn khá thấp.

Xin cảm ơn và chúc anh tiếp tục con đường riêng của mình.

Comments are closed.