Sợi kết nối – VCCA- 2022 ← Back to the portfolio

  • In →
  • Installation
  • Painting

Sợi kết nối

Sự trở lại của chất liệu Lụa trong bối cảnh mỹ thuật Việt nam có lẽ cũng chỉ mới từ hơn chục năm trở lại đây, xuất phát từ những nỗ lực tìm tòi thể nghiệm của một số những hoạ sỹ trẻ, đồng thời cộng hưởng phần nào từ những cuộc hồi hương của những bức tranh của các hoạ sỹ thời Đông Dương sau những màn đấu giá triệu đô trên các sàn đấu giá quốc tế.

Trong xu hướng đó, “Xưởng Lụa” của Khoa Hội hoạ trường Đại học Mỹ thuật Việt nam cũng cố gắng từng bước phục hồi và làm mới lại chương trình “chuyên ngành Lụa” trong vài năm trở lại đây. May mắn trong vai trò vừa là một trong những người xây dựng chương trình chuyên ngành, vừa là người hướng dẫn trực tiếp, tôi đã cố gắng áp dụng tinh thần “giáo dục khai phóng” vào các học phần sáng tác chuyên ngành. Ngoài những kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao được được trau dồi qua từng bài học, mục tiêu của các dạng bài tập được thiết kế để kích thích năng lực tư duy mở, xoá nhoà dần ranh giới giữa những bài tập sáng tác trong chương trình nhà trường với thực hành phát triển dự án cá nhân thông qua việc kích thích khám phá đào sâu nuôi dưỡng “cái đặc biệt” trong từng cá tính sáng tạo, để từ đó xây dựng cho mình một mối quan tâm, một chủ đề, một ngôn ngữ tạo hình, hay một phương pháp tạo nghĩa từ những bước đi đầu tiên. Trước mỗi bài sáng tác, các bạn đều được yêu cầu tiến hành những bài khảo sát nghiên cứu các vấn đề liên quan chung quanh những hình tượng được quan tâm khai thác sử dụng trong bài sáng tác. Các hình tượng và chủ đề sẽ được khuyến khích nhìn nhận và nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau, từ lịch sử nghệ thuật theo chiều lịch đại, đồng đại, cho đến cách nhìn nhận theo góc độ biểu tượng văn hoá, ký hiệu học văn hoá, tâm lý học… Những kỹ năng xây dựng phần nền tảng nghiên cứu vấn đề kết hợp các hoạt động thuyết trình, thảo luận trong nhóm cũng đã dần gợi mở cho các bạn những ý tưởng tạo hình, cách đặt vấn đề mới lạ cho bài sáng tác chuyên ngành.

Trong triển lãm lần này các bạn cũng cùng nhau mở rộng hơn các vấn đề về chất liệu lụa, bên ngoài những vấn đề cá nhân trong các sáng tác của mình. Tiếp nối phương pháp tư duy của chương trình học phần sáng tác khi đặt chất liệu Lụa như một đối tượng nghệ thuật có khả năng mở khi kết hợp với những chất liệu khác tạo thành các tác phẩm sắp đặt ứng tác với không gian…­

Với những dự án triển lãm như thế này, tôi cũng muốn tiến hành quan điểm giáo dục bằng chính những dự án nghệ thuật thật sự, học trong chính quá trình làm 1 dự án, tự khám phá bản thân cũng như tự học được phương pháp triển khai tác phẩm từ những vấn đề nghiên cứu. Sau đó tìm cách giải quyết vấn đề thực tiễn để hiện thực hoá tác phẩm và triển lãm.

Triển lãm lần này có một tính chất nổi bật đó là sự kết nối các bạn từ nhiều khoá trước đây với những bạn sinh viên chuyên ngành Lụa vừa mới ra trường. Có những bạn chuyên ngành sơn mài cũng muốn kết nối tham gia và hợp tác cùng các bạn chuyên ngành lụa cùng xây dựng tác phẩm. Và đặc biệt triển lãm lần này còn có sự kết nối với những người nghệ nhân của làng nghề tơ tằm Mỹ Đức Hà Tây. Các hoạ sỹ trẻ, những cựu sinh viên của khoa Hội hoạ đã được khuyến khích tinh thần làm việc nhóm, cùng nhau chia sẻ các nghiên cứu từ kỹ thuật cho đến những vấn đề về văn hoá, kết nối thực hành sáng tạo nghệ thuật của mình với những hoạt động của làng nghề truyền thống. Các bạn dần trưởng thành và độc lập hơn khi được dần làm quen và học cách tổ chức, quản lý, trình bày các sáng tác của mình một cách bài bản hơn. “Sợi kết nối” là triển lãm lần thứ 8 của “Xưởng Lụa” trong 3 năm trở lại đây. Có thể nói tính liên khoá, liên khoa và liên ngành trong triển lãm này đã được đẩy mạnh, trở thành một tinh thần xuyên suốt làm nên sự khác biệt của một triển lãm tranh Lụa.

 

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn

Sợi kết nối – VCCA- 2022
Sợi kết nối – VCCA- 2022
Sợi kết nối – VCCA- 2022
Sợi kết nối – VCCA- 2022
Sợi kết nối – VCCA- 2022
Sợi kết nối – VCCA- 2022
Sợi kết nối – VCCA- 2022
Sợi kết nối – VCCA- 2022
Sợi kết nối – VCCA- 2022
Sợi kết nối – VCCA- 2022

Contact

×